leftcenterrightdel
 Các bà mẹ thực hành mát xa cho con tại trung tâm y tế cộng đồng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” tồn tại nhiều thế kỷ nay ở Hàn Quốc đang dần bị đẩy lùi trong bối cảnh nhận thức về bình đẳng giới ngày càng tăng cũng như tình trạng dân số giảm nhanh chóng trong những năm gần đây.

Số liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KS) công bố ngày 1/3 cho thấy trong năm ngoái, tỷ lệ giới tính nam/nữ được sinh ra tương tương 104,7 bé trai/100 bé gái.

Đây là tỷ lệ cân bằng nhất kể từ những năm 1990 của thế kỷ trước, thời điểm có tới 116,5 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ này của năm 2021 là 105,1/100; năm 2020 và 2019 đều ở mức 104,8/100.

KS cho rằng nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh là do tâm lý “trọng” con trai phổ biến trong xã hội Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, số lượng cặp vợ chồng quyết định sinh con thứ 3 tăng cao chủ yếu cũng do đã có 2 con gái và hy vọng nhiều khả năng sẽ mang thai con trai.

Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ chênh lệch giới tính ở đứa con thứ 3 duy trì ở mức 105,4 bé trai/100 bé gái trong năm 2022.

Tỷ lệ này vốn từng ở mức chênh lệch rất lớn trong những năm 1990, đặc biệt là 209,7 bé trai/100 bé gái được ghi nhận vào năm 1993.

Tỷ lệ đã giảm xuống còn 143,6 bé trai/100 bé gái vào năm 2000, song vẫn duy trì trên mức trung bình trong hơn 10 năm sau đó. Kể từ năm 2014, tỷ lệ trên đã trở lại mức trung bình 106,7 bé trai/100 bé gái.

Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với mức 0,78, tiếp đến là Nhật Bản (1,33), Đức (1,53), Anh (1,56), Mỹ (1,64) và Pháp (1,79)...

Hàn Quốc đã bước vào xã hội già hóa từ năm 2001 khi số người cao tuổi chiếm 7,2% dân số. Năm 2018, tỷ lệ dân số cao tuổi đạt 14,4% đã khiến quốc gia này chính thức bước vào xã hội dân số già.

KS dự đoán với xu hướng như hiện nay, đến năm 2025, sẽ có 20,6%  dân số Hàn Quốc thuộc nhóm cao tuổi và quốc gia Đông Bắc Á này chính thức bước vào giai đoạn “xã hội siêu già”./.

Theo vietnamplus