Con thường bị các bạn trong lớp đem ra chọc phá, mỉa mai, đặt biệt danh chỉ vì hàm răng (hội đủ các nhược điểm: răng… chó, khểnh toàn hàm, lợi thâm, cười hở lợi, răng sâu đến nỗi thở ra cũng thấy hôi…).

Vì điều này mà con thường thu mình lại, đeo khẩu trang cả ngày kể cả trong lớp hoặc lên bảng. Gần đây, con có tình cảm với một bạn trai trong lớp nhưng không dám ngỏ lời, nhiều lúc thấy giận bản thân và giận lây cả ba mẹ (ai cũng bảo ba con có hàm răng xấu xí vô duyên).

Con phải làm sao?

Một nữ sinh lớp Chín giấu tên (Trà Vinh)
leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Đứng trước một em bé, hầu như mọi người không cảm thấy răng có ảnh hưởng lớn đến “giá trị” của khuôn mặt vì thời điểm này hàm răng sữa của bé nào chẳng xinh! Nhưng khi trẻ lớn lên và bước vào thời kỳ thay răng - giai đoạn răng hỗn hợp - mới thật lắm chuyện: nhiều trẻ có răng mọc sớm, răng mọc muộn trên cùng hàm, không theo “tiêu chuẩn”; có khoảng cách rộng giữa 2 răng cửa (răng thưa); răng vĩnh viễn mọc lệch; răng sữa chưa rụng răng vĩnh viễn đã mọc (răng mọc lẫy); răng sữa đã rụng mà sau vài tháng răng mới chưa mọc lên (răng mọc chậm)… Thói quen ngậm “ti” giả, mút tay, hay chống cằm… và bệnh tai mũi họng khiến trẻ phải thở bằng miệng cũng gây vấn đề cho răng hàm mặt.

Nói vậy để cháu thấy răng miệng vừa ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và thẩm mỹ khi trưởng thành (cấu trúc khuôn mặt, miệng và nụ cười) vừa tác động đến tâm lý của một người. Lưu ý là bé gái “trưởng thành” hơn bé trai cùng tuổi trong việc mọc răng sữa/thay răng và răng sữa thưa là cách “chỉnh nha tự nhiên” tuyệt vời của tạo hóa.

Theo quan sát của các nhà chuyên môn, học sinh cuối cấp I đã biết soi gương và quan tâm đến vẻ bề ngoài. Lên cấp II, những đặc điểm về ngoại hình, gương mặt, giọng nói thường bị lôi ra chọc phá và đặt làm biệt hiệu (răng sún, khấp khểnh, mọc chen chúc, hàm hô, móm, mặt “lưỡi cầy”…). Đã có nhiều chứng minh cho thấy chỉ cần chỉnh nha, niềng răng, sau này lớn lên, dung mạo sẽ khác đi rất nhiều.

Răng hô, móm, thưa hay lệch lạc là những dạng sai khớp cắn giữa hàm răng trên và răng dưới, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng - cửa ngõ của hệ tiêu hóa, làm mất đi sự hài hòa, cân đối của khuôn mặt. Niềng răng sớm giúp rút ngắn khoảng thời gian đeo niềng đồng thời hạn chế cảm giác khó chịu. Đeo niềng răng ở tuổi trưởng thành khi phải đi làm, giao tiếp, đi chơi với người yêu… phiền phức hơn (và tốn tiền hơn) so với đeo niềng răng khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Còn về chuyện sâu răng: bất kỳ lứa tuổi nào, hễ có răng là có thể sâu răng! Nhưng sâu răng không dễ, phải “đủ điều kiện” như trong sơ đồ Keyes (có tối thiểu 4 yếu tố chính đồng thời tương tác với nhau để tạo nên răng sâu: răng, vi khuẩn, chất đường, thời gian).

Cháu cần tập thói quen vệ sinh răng miệng, cách chải răng đúng (theo phương pháp Bass cải tiến). Ngoài ra, có thể sử dụng nước súc miệng, bàn chải kẽ, chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn còn sót lại. Hãy nói chuyện với người lớn trong nhà để được đưa tới các cơ sở nha khoa; bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời.

Hồi xưa, các cụ hay tả nụ cười bẽn lẽn của các cô gái xuân thì: má đỏ ửng, lấy tay che miệng… như một tiêu chuẩn của cái đẹp. Thực ra, nguyên nhân sâu xa là vì người thời ấy hầu hết không tự tin về hàm răng nên “đẹp khoe, xấu che”. Nay thì trong bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào, các thí sinh đều duyên dáng, rạng rỡ với nụ cười rộng mở.

Sự kiện cô gái da màu Zozibini Tunzi (Nam Phi) đăng quang trong cuộc thi nhan sắc lớn của thế giới - Miss Universe, mở ra thời đại mới về tiêu chuẩn vẻ đẹp hiện đại. Không biết cháu có để ý: cô ấy có nụ cười hở lợi tự nhiên với phần nướu màu nâu sẫm (người Việt mình gọi là “thâm”).

Cười hở nướu thì đã sao! Cháu cứ học tốt, chăm sóc bản thân sạch sẽ cả trong lẫn ngoài, xây dựng những thói quen lành mạnh, sử dụng dịch vụ nha khoa hữu hiệu ắt sẽ tự tin trong giao tiếp với bạn bè và đón nhận các rung động đẹp đẽ tuổi hoa niên.

Theo phụ nữ TPHCM