Chúng con có phòng riêng, đi học có xe đưa rước, có gia sư kèm tại nhà, ăn uống đầy đủ. Cha mẹ con chưa khi nào la mắng hoặc đánh chị em con, chỉ im lặng và nói các thành viên trong nhà bỏ mặc/dừng mọi tương tác với chúng con để chúng con tự suy nghĩ mà biết lỗi. 

Thực sự, trong hầu hết những lần im lặng ấy, chúng con không biết bản thân đã gây ra lỗi lầm gì… Nhiều khi cả nhà ngồi quanh bàn ăn mà cha mẹ nhìn đâu đâu, không nghe chúng con nói gì khiến chúng con cảm thấy mình như người vô hình trong nhà.

Em con nói dỗi: “Chị em mình còn thua cái điện thoại di động. Nó mới là con ruột của cha mẹ”. Con cảm thấy bất lực, sợ hãi, chán ghét bản thân dù không biết mình đã làm gì sai.

Một học sinh lớp Mười một (quận 3, TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Bạo hành con cái không chỉ là “tác động vật lý” lên thân thể hoặc cấm đoán, trừng phạt, tước đi những quyền lợi vật chất lẽ ra con được hưởng mà còn là sự im lặng, xao nhãng, lạnh nhạt, tảng lờ trước những nhu cầu tình cảm của con.

Khái niệm bạo hành lạnh (cold violence) xuất hiện trong một nghiên cứu về bạo lực gia đình vào năm 2016. Loại bạo hành này ít được nhắc đến nhưng không có nghĩa là bị bỏ quên.

Đánh đập, quát mắng, chửi rủa chưa chắc đã làm tổn thương một đứa trẻ sâu bằng thứ bạo hành lạnh. Vũ khí lợi hại mà nhiều phụ huynh đối xử với con là cô lập con ra khỏi cuộc sống của mình: đùa nghịch quá khích bị nhốt trong căn phòng tối đáng sợ; nhiều lần không vâng lời nên từ đó bất kể trẻ nói gì, làm gì, cha/mẹ không đáp lại nửa lời.

Dù đứa trẻ khóc lóc, xin lỗi và xin tha thứ nhưng cha/mẹ vẫn im lặng, không trả lời. Bạo hành lạnh không chỉ giết chết mối quan hệ giữa 2 bên mà còn gây tổn thương tâm lý lâu dài cho người bị bạo hành.

Trường hợp phổ biến hơn, bất kể con cái nói hay làm gì, cha/mẹ đều thờ ơ và tương tác qua loa, chiếu lệ. Dần dần, đứa trẻ sẽ cảm thấy mình không tồn tại và không được yêu thương, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, niềm tin, mối quan hệ với người xung quanh. Mặc dù cha mẹ hiện diện bên cạnh nhưng không hề giao tiếp bằng mắt hoặc tương tác cảm xúc với con. 

Bạo hành lạnh trong gia đình khiến đứa trẻ không chịu đựng nổi, phải lấp lỗ hổng tình cảm của mình bằng những hành động bắt nạt nhóm yếu thế hơn và sẽ sao chép lại đúng tinh thần đó khi chúng ứng xử xã hội, tạo thành “vòng lặp cuộc đời”.

Trong cuốn sách Bạo lực lạnh, bác sĩ Marie-France Irigoyan viết: “Bạo lực lạnh giống như một bức tường lạnh lẽo ngăn cách mối quan hệ cha mẹ và con cái. Họ giống như người xa lạ quen thuộc nhất”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị em cháu không hề có quyền lựa chọn muốn sinh ra ở kiểu gia đình nào nhưng cha mẹ cháu thì có. Các cháu nên bàn bạc kỹ với nhau, chớp thời cơ giữa 2 đợt “tịnh khẩu” của gia đình mà trò chuyện với cha mẹ:

- Thực tế, nhiều người lớn không ý thức được mức độ nghiêm trọng của dạng bạo hành này và đã sử dụng sự im lặng để trừng phạt con cái. Họ nghĩ rằng đó là chuyện bình thường, vì hồi nhỏ họ cũng từng bị cha mẹ nói vậy, cũng từng bị thóa mạ, hắt hủi, bỏ mặc nhưng vẫn lớn khôn; cho rằng mình chịu được thì con mình cũng chịu được. Vì vậy, hãy tâm sự để cha mẹ hiểu rõ về những cảm xúc tiêu cực các cháu phải đối mặt. 

- Chính các cháu cần hoàn thành những yêu cầu cha mẹ đề ra về giờ giấc sinh hoạt, học tập, ứng xử với nhau, tham gia làm việc nhà… giảm đến mức thấp nhất lý do để cha mẹ đưa ra lệnh trừng phạt.

- Tìm kiếm sự trợ giúp của những người xung quanh như ông bà, người thân - người có uy tín với cha mẹ. Hãy chia sẻ với họ về những gì các cháu phải trải qua và bày tỏ mong muốn họ trở thành “lực lượng gìn giữ hòa bình”, ngăn cha mẹ bạo hành lạnh với con cái.

- Nếu cha mẹ khăng khăng không chấp nhận ý kiến, các cháu có thể phải chấp nhận và chịu đựng đến khi trưởng thành để có thể sống tự lập.

Chúc các cháu dỡ bỏ bức tường thành công.

Theo phụ nữ TPHCM