Khi anh con lên cấp II thì mẹ sinh thêm em gái. Nhỏ nhất nhà, lại cách xa tuổi của anh chị nên Út được chiều chuộng, đặc biệt là chăm chút về cái ăn, cái mặc. Ngay từ hồi mẫu giáo, nhìn em đã nổi bật trong lớp như một con búp bê, các phụ huynh đưa đón con đều trầm trồ chấm “điểm 10 cho chất lượng”.

Anh con đi Nhật, mỗi lần gửi quà về đều chọn cho em những chiếc váy xinh xắn, đắt tiền. Lên cấp I, em luôn được chọn làm gương mặt đại diện nữ sinh trường, được trang điểm để lên tặng hoa các đại biểu đến thăm trường, đồng thời có chân trong đội văn nghệ, đội cổ vũ của trường. Em có mắt thẩm mỹ, biết phối đồ nên nhìn em, nhiều người đoán sau này em sẽ trở thành diễn viên hay người mẫu…

Nay anh em con đều đi học xa nhà, em đã lên 10 nhưng “khôn trước tuổi”. Vào những lúc không bắt buộc mặc đồng phục, em diện áo hở rốn, mở nút ngực, váy cực ngắn, quần lưng thấp, đi giày cao gót, đeo lens. Em chê những bạn gái cùng trang lứa không biết ăn diện là “lúa”, “phèn”…; bình chọn các cô giáo trong trường theo tiêu chuẩn đầu tiên là có cao không, da trắng không, dáng xinh không, có thân hình đồng hồ cát không, 1 tháng mặc mấy bộ áo dài…

Con cảm thấy lo ngại trước tình trạng “chín ép” của em: ngoại hình của em rất thu hút nhưng học lực của em quá xoàng.

Đinh Thanh S. (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Thời nay, ở những khu du lịch, vui chơi, giải trí, ta có thể thấy nhiều trẻ em diện những kiểu trang phục gợi cảm của người lớn (hở bụng, cắt xẻ, úp úp mở mở ở vùng ngực, quần cạp trễ), nhảy/lắc hông rất chuyên nghiệp những điệu theo xu hướng TikTok với các biểu cảm chu môi, khơi gợi, uốn éo…; biết trang điểm như người lớn…

Lạ một điều là nhiều người lớn xem việc trẻ em dạn dĩ, chủ động, thu hút sự chú ý là bình thường, thậm chí là cần thiết, nhằm chuẩn bị cho thời kỳ trưởng thành. Qua đó, có thể nhận thấy tiêu chuẩn về sự hấp dẫn dường như chỉ được đánh giá qua một tiêu chí hẹp là sự gợi cảm mà lẽ ra vẻ đẹp của con người phong phú, sâu sắc hơn rất nhiều.

Ở góc nhìn rộng, nhiều năm nay, trên truyền thông xuất hiện khá phổ biến những hình ảnh tình tứ trên phim ảnh, quảng cáo, âm nhạc, sân khấu… Không hiếm gia đình yêu cầu con nhắm mắt lại hoặc quay mặt đi mỗi lúc gặp cảnh “không phù hợp với trẻ em”. Đáng sợ hơn, những hình ảnh hở hang xuất hiện ngay trong những sản phẩm dành cho trẻ em: búp bê thân gầy, chân dài, ngực to; truyện tranh 18+, phim hoạt hình, MV ca nhạc, trò chơi điện tử… Các cửa hàng thời trang bán những bộ váy áo/phụ kiện thiếu nhi vừa rất đàn bà vừa ngây thơ.

Trẻ em hay bắt chước và có những biểu hiện ứng xử “già dặn”, không phù hợp với lứa tuổi (trang phục bó sát, khoe thân, tạo dáng với cử chỉ điệu bộ gợi tình, tự ti/phiền muộn vì thân hình của mình chưa đạt chuẩn người mẫu). Các nhà nghiên cứu gọi tình trạng đó là “tình dục hóa trẻ em” (sexualization of children) - hành vi áp đặt các thuộc tính của người lớn lên cơ thể của trẻ nhỏ hơn là sự lựa chọn của chính trẻ, đặt trẻ vào vai trò người lớn và gán các suy nghĩ nhạy cảm lên đó. Ngụ ý rằng giá trị của một người chỉ đến từ sự hấp dẫn hoặc hành vi mang tính tình dục mà không nhìn nhận đến những phẩm chất khác như học vấn, tính cách, nội tâm, cảm xúc…

Một đứa trẻ quá chú tâm đến ngoại hình và sự chú ý của mọi người đến “cái sắc” của mình sẽ lơ là rèn giũa “cái nết”.

Cháu và gia đình nên:

- Ngưng vung tiền mua sắm cho em.

- Có thể tạm dừng 1 năm học (gap year) để em nghỉ ngơi, về miền quê càng tốt, nhằm khám phá bản thân, bù lại các lỗ hổng kiến thức trước đó đồng thời rèn các kỹ năng bơi, đạp xe, nhảy dây… Khi em trở lại, chuyển sang môi trường học tập mới, bạn bè mới.

- Kiểm soát những gì em xem trên mạng bằng cách xem cùng/sử dụng các phần mềm lọc, chặn trên thiết bị.

- Trò chuyện với em về giá trị của một người, khái niệm rộng của cái đẹp, nhất là vẻ đẹp trong sáng ở một nữ sinh.

- Giáo dục giới tính phù hợp với độ tuổi của em.

Theo phụ nữ TPHCM