Có đứa con trai cao ráo, khỏe mạnh, học giỏi nhưng vợ chồng tôi vẫn lo ngay ngáy. Chẳng là cháu quá vụng miệng trong giao tiếp với bạn khác phái và không biết cách thể hiện sự quan tâm. Nhiều lúc chúng tôi sốt ruột, khổ sở khi thấy con trai mình lơ ngơ, lóng ngóng giữa nhóm bạn…

Nguyễn Hoàng N. (quận 1, TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Giao tiếp là một phần của cuộc sống thường ngày. Cách một bạn trẻ giao tiếp có thể ảnh hưởng đến cái nhìn và cách người khác đối xử với bạn ấy. Khi bạn cư xử lịch thiệp, người khác thường thấy ngay và quý trọng phẩm cách của bạn; bạn cũng sẽ cảm thấy hài lòng về bản thân vì biết mình đang làm đúng.

Các bạn trẻ học được cách ứng xử từ gia đình, học đường, sách vở, phim ảnh, cộng đồng… Một người bạn của tôi kể rằng trong một chuyến xe buýt đường dài từ Washington đi New York (Mỹ), bạn ngồi ở hàng ghế cuối và chứng kiến một người chồng Mỹ lớn tuổi thể hiện tình cảm với vợ - ngồi cách đó mấy hàng ghế. Có lẽ vì lý do bảo hiểm nên người Mỹ không đổi chỗ lung tung, vì vậy, trong suốt chuyến đi dài, cứ 15 phút, nửa tiếng, người chồng lại vịn vào các hàng ghế, chầm chậm đi từ đầu xe đến ghế của vợ, quỳ xuống hỏi han: “Em yêu, em vẫn ổn chứ?”, “Em cố lên nhé, sắp đến rồi”, “Có vấn đề gì em gọi anh ngay nhé”… Trước khi trở về chỗ ngồi, ông đều hôn vợ âu yếm.

Một lần khác, trong chuyến bay nội địa, bạn tôi thấy vợ chồng người đồng hương ngồi dãy ghế bên kia. Người vợ mặt tái xanh, ói liên tục nhưng người chồng ngồi bên cạnh chẳng nói chẳng rằng, trông còn xa cách hơn cả người không quen biết. Khi máy bay hạ cánh, người chồng lấy hành lý rồi chen ra cửa, không để ý đến người vợ rũ rượi bám theo sau.

2 câu chuyện trên cho thấy sự khác biệt trong cách thể hiện tình cảm và chăm sóc vợ của 2 người đàn ông. Trong trường hợp người chồng Việt kể trên, có thể không phải là anh không yêu vợ, không biết chăm sóc vợ. Tuy nhiên, do ở gia đình và nhà trường của ta, việc dạy nam sinh cách thể hiện tình cảm, sự quan tâm chăm sóc với người thân bị xem nhẹ nên nhiều đàn ông, con trai Việt còn vụng về hoặc cứng nhắc. 

Trong trường hợp người đàn ông Mỹ kia, có lẽ cả gia đình lẫn nhà trường đều dạy dỗ từng li từng tí cách thể hiện sự tôn trọng, trân trọng, chăm sóc, bày tỏ sự quan tâm với người khác, đặc biệt là với phụ nữ. Họ làm những điều đó ngay từ khi là trẻ nhỏ cùng với sự chân thành nên cách thể hiện rất tự nhiên và gây xúc động.

Để nâng cấp trình độ “mài cưa” của chú hươu này, cha mẹ cần vạch kế hoạch ngày/tuần/tháng/quý… và có đánh giá, chấm điểm:

- Cha mẹ cư xử với nhau và với người xung quanh lịch thiệp, ấm áp, chân thành để con quan sát học hỏi. Nhiều cặp vợ chồng lâu năm đã lược bỏ phần lãng mạn, cuốn hút, tinh tế trong giao tiếp với nhau, chỉ còn là những câu hỏi - đáp ngắn gọn, đơn giản. Điều đó khiến con coi lịch sự giữa những người thân quen là khách sáo, vô bổ.

- Đừng trả lời giúp, đỡ lời khi con gặp gỡ khách mà hãy chờ con lên tiếng.

- Dạy con tự chăm sóc bản thân, cư xử nhẹ nhàng đứng đắn với phụ nữ, biết làm việc nhà. Một chàng trai biết nấu ăn sẽ chăm sóc người thân chu đáo hơn (khi bà, mẹ, em… bị mệt, nằm viện), lấy được thiện cảm của người khác. Sau này, chàng trai ấy sẽ chọn được người bạn đời đáp ứng được những tiêu chuẩn liên quan đến giá trị tinh thần và tính cách thay vì chỉ tìm kiếm cô nào có tiêu chuẩn duy nhất là… biết nấu ăn. Nhiều khi chỉ một ly nước mát, một món ăn ngon cũng “thay lời muốn nói” và rất lợi hại trong việc “thả thính, cưa cẩm”.

Ảnh mang tính minh họa - benzoix
Ảnh mang tính minh họa - Benzoix

- “Nhờ” con thay mặt gia đình đến nhà họ hàng, thăm bệnh, dành 1 buổi trong tuần dạy kèm em nhỏ… để con xây dựng thói quen “đứng mũi chịu sào”.

- Khen ngợi mỗi khi thấy con cư xử tiến bộ. Góp ý những chỗ con còn vụng về. Khích lệ tinh thần nếu chẳng may con bị bạn cùng phái chế giễu.

Làm được như vậy, không phải cha mẹ giúp con “mài cưa” mà là mài ngọc. Tỉ mỉ mài giũa viên ngọc thô để có ngày nhìn thấy ánh lấp lánh từ thành quả của mình là cảm giác mãn nguyện của nhiều bậc hươu cha, hươu mẹ khi dạy con.

Theo phụ nữ TPHCM