Con yêu bạn gái học cùng lớp ngoại ngữ ban đêm. Hai đứa chỉ dừng lại ở những cái nắm tay, hôn môi. Đầu tuần, con thấy quanh miệng có cảm giác châm chích, sưng đỏ rồi bị nổi một mảng mụn rộp. Mấy ngày sau, mảng mụn ấy trở thành một đám mụn nhỏ li ti, rất đau rát; vết loét mọc cả trong miệng khiến con ăn uống và nói năng cũng khó khăn. Bệnh viện kê toa cho con chữa “bệnh herpes” và nói đây là “bệnh lây qua đường tình dục”.
Bác sĩ cho con hỏi: Hôn môi có khi nào làm nhiễm bệnh không (chúng con rất kỹ tính và không dùng chung đồ cá nhân của nhau)? Liệu bị herpes có ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh con sau này không ạ?
Nguyễn Thanh H. (Hố Nai, Biên Hòa)
Bệnh herpes môi (mụn rộp môi) - còn gọi là vết loét lạnh, mụn nước sốt, sốt vỉ - chẩn đoán không khó, người nào đã bị một lần rồi có thể nhìn là biết liền.
Thầy thuốc thường dựa vào những tổn thương cơ bản của bệnh để chẩn đoán; chẳng hạn các mảng da đỏ, trên đó có các chùm mụn nước hoặc tàn tích của mụn nước còn lại trên da. Hầu hết tổn thương mọc ở vị trí gần các “cửa khẩu” (môi, miệng, cơ quan sinh dục); cũng có thể gặp ở mắt, má, mông, ngón tay tuy hơi hiếm.
Có hai loại vi-rút herpes simplex (HSV), khác nhau từ cấu trúc sinh học đến vị trí tấn công và gây bệnh, từ đường lây nhiễm đến nguy cơ tái phát:
- HSV 1 là thủ phạm gây ra thương tổn trên da và niêm mạc vùng môi - miệng (khoảng 80% các trường hợp).
- HSV 2 thường gây bệnh ở vùng niệu - sinh dục (chiếm tỷ lệ còn lại).
Gọi là “bệnh lây truyền qua đường tình dục” vì khi cặp đôi gần gũi nhau (hôn, vuốt ve, giao hợp…), những mụn nước bị cọ xát vỡ ra, có thể khiến vi-rút gây bệnh đi từ da của người này sang người kia. Người bạn tình sẽ nhận đúng loại HSV người bệnh truyền cho. Vi-rút sau khi vào cơ thể sẽ phát triển tại vị trí nhiễm làm nổi mụn nước hoặc theo dây thần kinh ngoại biên vào hạch, sống “nằm vùng” ở nơi này.
Hơn 10% người bệnh có vi-rút trong cơ thể nhưng không biểu hiện bệnh. Chúng chờ khi nào sức đề kháng của cơ thể giảm sẽ “tái xuất giang hồ”, di chuyển ra ngoài da, niêm mạc và gây bệnh cho khổ chủ. Điều đó giải thích vì sao có người lâu lâu lại bị “lở mồm long móng” mà trị hoài không dứt.
Chuyện yêu đương của người bị herpes bị ảnh hưởng không đáng kể. Bệnh không “di họa” đến khả năng sinh con.
Trong những ngày này, cảm giác đau rát, khó chịu của những mụn nước vỡ ra khiến cháu loay hoay mất ngủ và có khi mất hứng hẹn hò. Ngoài việc dùng thuốc theo toa bác sĩ, cháu nên tự làm bác sĩ cho chính mình:
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Master1305 |
- Lúc đang nổi mụn rộp ở môi, cháu tránh hôn bạn mình cho… chắc ăn, cũng đừng lấy tay sờ lên môi rồi đụng chạm vào các vị trí vết thương hở hoặc vùng ẩm ướt như “ngã ba”.
- Chườm lạnh lên chỗ mụn loét mỗi lần 20 phút, khoảng 2 - 3 lần/ngày. Đừng để nước đá chạm trực tiếp vào vùng da bị bệnh kẻo gây nhiễm trùng nặng hơn.
- Giữ vệ sinh da và uống thêm vitamin C. Khi ăn các loại quả chua (cam, quýt, chanh…), tránh để thức ăn chạm vào vùng da bị rộp.
- Kiêng các thực phẩm có thể gây sưng viêm dai dẳng như thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ uống có đường (soda, nước tăng lực), các loại thịt đỏ, xúc xích…
- Chăm làm sạch đồ dùng cá nhân (khẩu trang, dao cạo, bàn chải đánh răng, khăn mặt…) vì vi-rút herpes có thể “núp” trong đó.
Sau vài ngày, mụn mủ vỡ ra, đóng vảy và “hô biến” sau hai tuần. Cháu đừng quá lo lắng, bệnh tái phát hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố làm cơ thể giảm sức đề kháng (suy dinh dưỡng, phơi nắng, nhiễm trùng, lo âu, căng thẳng, dùng một số thuốc, dị ứng thức ăn…). Đa số thương tổn herpes tự khỏi, nếu có tái phát sẽ xuất hiện trên vị trí cũ hoặc nơi khác.
Với những trường hợp suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV/AIDS, dùng thuốc trị ung thư hoặc corticoid liều cao và kéo dài…), mụn nước, mụn mủ có thể lan toàn thân.
Tuy herpes là bệnh lây qua đường tình dục nhưng chẳng phải do “đạo đức suy đồi” hay “lang chạ lăng nhăng” vì trẻ con cũng có thể mắc, cháu ạ!
Theo phụ nữ TPHCM