Gia đình cháu có một mối xung đột âm ỉ, “thù địch”, dai dẳng giữa cha mẹ và con cái, giữa các con với nhau: cuộc chiến làm việc nhà. Anh em cháu ra ngoài luôn được khen “mặt mũi sáng sủa, học giỏi, lễ phép, có chí tiến thủ” nhưng hễ động đến việc dọn dẹp, lau chùi, nấu nướng, rửa chén… là trong nhà lại vang lên tiếng chì chiết, quát mắng, đổ vỡ rồi sau đó mặt nặng mày nhẹ. 

Năm nay em trai cháu lên lớp Chín, cháu lớp Mười hai đều cần tập trung học. Chuyện ai làm việc nhà e rằng sẽ gây trở ngại cho cuộc chạy đua của cả hai vào những ngôi trường mơ ước. Cháu nên làm thế nào?

Trần Trung H. (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
 

Cũng may anh em cháu đều là con trai sức dài vai rộng nên “cuộc chiến” chia sẻ việc nhà đỡ bị gắn mác “bất bình đẳng giới”, “định kiến giới”. Nếu 1 trong 2 là nữ, trong nhiều lý do mang ra để đùn đẩy việc nhà, hẳn sẽ có câu phủ đầu: “Con gái làm bếp, giặt giũ là đúng rồi” hay khích tướng: “Kém thế, việc này cô gái nào chẳng làm được” hoặc nhờ vả tinh vi: “Con gái vốn khéo léo, kiên nhẫn, tỉ mỉ nên làm việc gì cũng gọn gàng”; thậm chí còn nâng lên tầm hôn nhân gia đình: “Lớn lên, con gái không thạo nữ công gia chính chẳng anh nào dám rước, con trai vụng một chút khắc có vợ lo”… 

Ở tuổi anh em cháu, làm việc nhà không còn là mấy mỹ từ “đỡ đần cha mẹ”, “hy sinh thời gian nghỉ ngơi, giải trí để chia sẻ/phụ giúp gia đình” mà là chuyện tự phục vụ bản thân, là kỹ năng cơ bản để sống tự lập cần được thực hành thành thạo.

Học gì thì học, giỏi gì thì giỏi, mỗi ngày, ngoài vệ sinh cá nhân (đánh răng rửa mặt, tắm gội, giặt - phơi đồ lót), các cháu phải làm việc nhà ít nhất nửa giờ. Điều đó chẳng những hoàn toàn không ảnh hưởng đến giờ giấc học hành mà còn mang lại nhiều lợi ích:

- Đó là giờ giải lao linh hoạt sau khi ngồi ôn bài, làm bài tập, dán mắt vào màn hình máy tính; nhờ vậy cơ thể, đầu óc bớt uể oải, lười biếng, thụ động. Khi đạt một thành quả bất kỳ, não sẽ tiết ra dopamine - hoóc môn của hạnh phúc - khiến tâm trạng vui vẻ, sẵn sàng quay lại tiếp tục học một cách hứng khởi.

- Mới đầu, các cháu không tránh khỏi lúng túng, đổ vỡ, sai sót, phải làm đi làm lại… nhưng làm nhiều sẽ quen, tay chân trở nên khéo léo, thành thạo (các cụ dạy “trăm hay không bằng tay quen”); từ đó hình thành kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc hiệu quả. Đó cũng là phẩm chất của nhà quản lý, lãnh đạo tương lai.

- Không để mình phải lệ thuộc vào người khác (cha mẹ, người nhà, người giúp việc…).

- Biết tự quản lý thời gian tốt hơn, rất có lợi khi sau này đi học, đi làm phải sống xa nhà. Điều quan trọng, anh em cháu nhận ra được những điểm mạnh và điểm yếu trong tính cách của mình để tu dưỡng: nóng vội hay chậm chạp; hăng hái bắt tay ngay vào việc hay thích trì hoãn, lần lữa; làm đến nơi đến chốn hay ngại khó, luôn bỏ dở giữa chừng; làm việc vặt với tâm trạng lạc quan, vui vẻ, tự giác hay nặng nhọc, bực bội như khổ sai; biết hướng dẫn, tương trợ người khác hay chỉ khư khư sợ thiệt thòi…

Nhiều văn phòng, công ty… đều khẳng định rằng cùng bộ hồ sơ xin việc có giá trị bằng cấp ngang nhau, một người trẻ làm nhiều việc nhà sẽ kiếm việc làm dễ hơn những người không làm việc nhà. Con người trưởng thành qua lao động. Lao động sớm thì trưởng thành sớm.

Thế nên không được làm việc nhà là một thiệt thòi đáng kể. Chúc anh em cháu trở thành những chàng trai biết nấu ăn, giỏi việc nhà, biết chăm sóc bản thân thật tốt.

Theo phụ nữ TPHCM