Hôm ấy, bạn trai cháu rủ cháu tham dự một lễ hội. Được bạn trai chở nên cháu yên tâm mặc đầm ôm, cổ khoét sâu, nhìn rất bắt mắt. Chở nhau về giữa đường khuya, chúng cháu gặp mấy thanh niên buông lời trêu ghẹo, khiêu khích.

Bạn trai cháu nói lại mấy câu, bị họ xuống xe quây lại, đánh hội đồng một trận nhừ tử. Cháu phải đưa bạn trai nhập viện và gọi điện báo cho gia đình. Cha mẹ bạn lao vào bệnh viện, xót con trai đầy thương tích đang chờ chụp phim kiểm tra.

Mẹ và chị của bạn ấy nhìn cháu bằng ánh mắt thiếu thiện cảm: “Đang yên đang lành, tự dưng rước họa vào thân”, “Ăn mặc hở hang thế kia, chả trách nó gặp tai nạn”…

Cháu cảm thấy mình bị đối xử bất công. Cháu mặc thế nào là quyền của cháu, cháu mặc hở hang không có nghĩa là người khác được phép buông lời khiếm nhã hoặc có những đụng chạm vô duyên. Mặt khác, cháu cũng không muốn thêm lần nữa bạn trai phải đánh nhau để bảo vệ cháu…

Một nữ sinh 18 tuổi giấu tên 
(TP Thủ Đức, TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Nhiều phụ nữ khoác lên mình trang phục lộng lẫy, tôn lên vóc dáng gợi cảm, trang điểm đẹp kèm với mùi nước hoa thoang thoảng… khi tham dự những cuộc vui/buổi tiệc thường than phiền về những đụng chạm không mong muốn, những chuyện cười gợi ý về tình dục, những ngôn từ khiếm nhã hoặc những cử chỉ khiêu khích (“đá lông nheo”, nhìn chằm chằm, “mút chuột”…). Đây là các hình thức của quấy rối tình dục, không còn là “thả thính” hoặc tán tỉnh.

Về luật pháp và đạo đức, mặc gì là quyền của mỗi người, đừng lấy việc ai đó ăn mặc gợi cảm (vẻ bên ngoài) để phán xét nhân cách, phẩm giá (giá trị bên trong) của người ấy. 

Cháu được quyền mặc bất kỳ thứ gì cháu thích, miễn không trái với thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, ngoài đời thiếu gì kẻ có ý đồ xấu xa, bất chấp phụ nữ có ăn mặc kín đáo thế nào. Để tránh tối đa chuyện bị sàm sỡ, cháu nên để ý mấy việc:

- Trang phục: Đôi khi váy áo khêu gợi có thể gây hiểu lầm, chẳng hạn cháu mới đôi mươi mà mặc “hở bạo”, trang điểm đậm hơn tuổi thực dễ làm người khác đối xử với cháu như với phụ nữ từng trải. Cháu có thể khoác áo, quàng khăn bên ngoài bộ đồ đẹp, đến nơi mới cởi ra.

- Ngôn từ: Khi nói chuyện (dù với bạn trai hay ở giữa đám đông) không nên than lạnh/buồn/cô đơn/sợ ma… cho dù đó là những chia sẻ rất chân thành. Đó là những thông điệp khiến đối phương tìm mọi cách giúp cháu “xử lý vấn đề” mà bình thường chưa dám thể hiện (choàng tay qua eo, an ủi, ôm ấp, vuốt ve…) hoặc nhầm tưởng cháu “bật đèn xanh” sẽ tiến tới. 

Cháu không nên tham gia vào các câu chuyện bông đùa “đố tục giảng thanh”, ám chỉ đến các bộ phận này nọ của 2 phái một cách nhiệt tình hoặc tỏ ra thích thú, thậm chí “đáp lễ” bằng một câu chuyện “mặn” hơn. Điều đó khiến đối phương không phân biệt được giới hạn, sẽ tiếp tục “leo thang”.

- Thái độ: Khi thấy người khác buông lời thăm dò, chọc ghẹo, cháu càng im lặng, ngượng nghịu, luống cuống, nể nang… càng khiến đối phương được thể lấn tới. Cháu không nhất thiết cứ phải chan chát, chua ngoa làm họ bẽ mặt giữa đám đông mà chỉ cần nhìn thẳng vào mặt họ bằng ánh mắt thản nhiên, tỉnh, lạnh khiến họ cụt hứng, tự cảm thấy trò đùa của mình vô duyên mà dừng lại. 

- Nơi chốn: Không gian cũng là thứ vô tình tiếp tay cho kẻ quấy rối khi ở cùng một nơi khép kín như phòng làm việc, thang máy, những chiếc ghế ngồi với khoảng cách quá gần hoặc chỗ lễ hội chen chúc. Lúc này, phục sức khêu gợi và mùi nước hoa của cháu được coi như tín hiệu đầy quyến rũ. Dù cháu chẳng làm gì, chỉ vô tình đi qua cũng đủ khiến những người đàn ông tử tế bị phân tâm và kẻ thiếu đứng đắn nảy sinh ý đồ xấu. 

- Ngoài ra, cháu cần thận trọng khi làm quen, tiếp xúc, quan hệ với các nam thanh niên quen biết qua mạng xã hội.

Người ta nói phụ nữ Pháp quan niệm rằng vẻ đẹp của họ không phải để tìm người yêu hay để cho người khác khen ngợi, mà đó là trách nhiệm đối với bản thân và là sự tôn nghiêm đối với cuộc đời. Khi biết chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, trau dồi hiểu biết và tự gìn giữ những giá trị của mình, cháu sẽ chẳng để bạn trai phải đánh nhau vì bảo vệ cháu.

Theo phụ nữ TPHCM