Mối nguy từ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vẫn còn tồn tại

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận nhiều ca mắc ho gà, bạch hầu, uốn ván, sởi… Điều này chứng tỏ các mầm bệnh nguy hiểm này vẫn còn và có nguy cơ lây nhiễm cao cho các đối tượng chưa có đủ miễn dịch bảo vệ, trong đó có trẻ nhỏ.

Trong báo cáo năm 2023, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp và chậm trễ có thể gây bùng phát các dịch bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin. UNICEF thống kê giai đoạn 2019-2021, tỷ lệ tiêm chủng đều giảm ở 112 quốc gia, với tổng cộng 67 triệu trẻ em không được tiêm vắc-xin đầy đủ. Riêng tại Việt Nam, có khoảng 250.000 trẻ em bị bỏ lỡ các liều vắc-xin cần thiết và có hơn 187.000 trẻ không được tiêm liều vắc-xin nào trong năm 2021.

leftcenterrightdel
 Tiêm vắc-xin đủ liều, đúng lịch sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển khỏe mạnh của con

Lý giải nguyên nhân khiến trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, các cơ quan đều non nớt, khó đào thải và chống chọi lại các tác nhân gây bệnh. Trong đó, có thể kể đến 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hàng đầu gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib.

leftcenterrightdel
 Hệ miễn dịch trẻ chưa hoàn thiện nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bệnh bạch hầu dễ lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp. Bệnh có thể gây biến chứng như suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, với tỷ lệ tử vong đến 20% nếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Gián đoạn tiêm chủng tại Nga đã làm bệnh bùng phát vào năm 1994, với hơn 39.000 người mắc và 1.100 người chết. Tại Việt Nam, trước khi chưa thực hiện tiêm vắc-xin bạch hầu, bệnh xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh. Hiện nay, bệnh vẫn còn xuất hiện hằng năm như gây 9 ca mắc và 1 ca tử vong từ đầu năm đến nay, theo Bộ Y tế.

leftcenterrightdel
 Trẻ nhỏ dễ có nguy cơ trở nặng nếu không may mắc các bệnh truyền nhiễm

Ho gà cũng là bệnh lý nguy hiểm. Tại Việt Nam, tính từ đầu năm 2024 đến tháng 8, các tỉnh miền Bắc ghi nhận 570 trường hợp mắc, tăng 16 lần so với cùng kỳ năm 2023. Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội đã tiếp nhận gần 400 trẻ mắc ho gà từ đầu năm đến hết tháng 7.2024, phần lớn là trẻ chưa tiêm phòng đầy đủ.

Bệnh uốn ván cũng có tỷ lệ tử vong rất cao, từ 25-90% ở trẻ nhỏ và gần như 95% ở trẻ sơ sinh. Mầm bệnh khiến 350 người mắc hằng năm, trong đó có một số trường hợp là trẻ sơ sinh, nguyên nhân chủ yếu do mẹ không tiêm vắc-xin uốn ván khi mang thai và cắt rốn, chăm sóc rốn không đảm bảo vô trùng.

Bại liệt từng là gánh nặng lớn tại Việt Nam. Ở trẻ nhỏ, virus tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương, gây tổn thương tế bào vận động của vỏ não và tế bào sừng trước tủy sống có thể gây liệt, tàn tật không hồi phục cho trẻ. Gần đây, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cảnh báo bệnh bại liệt có nguy cơ xâm nhập trở lại Việt Nam do tỷ lệ tiêm chủng thấp sau dịch Covid-19.

leftcenterrightdel
 Trẻ cần tiêm vắc-xin và ăn uống đủ chất, vệ sinh sạch sẽ để tăng cường sức đề kháng

Viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib cũng rất đáng lo ngại. 90% trẻ sơ sinh nhiễm Viêm gan B có nguy cơ phát triển thành bệnh mạn tính, dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Còn trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi không may mắc bệnh do vi khuẩn Hib, nguy cơ gặp biến chứng về thần kinh, gây viêm phổi và viêm màng não, dẫn đến các di chứng như tổn thương não, điếc, suy giảm trí tuệ.

Tiêm vắc-xin chính là "chìa khóa" bảo vệ bé trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Theo bác sĩ Chính, các loại vi khuẩn, virus gây ra 6 căn bệnh trên dễ sinh sôi khi thời tiết lạnh trong khi nước ta lại đang mùa mưa bão và nhiệt độ xuống thấp từ nay đến cuối năm. Để bảo vệ con khỏi nguy cơ mắc bệnh, cha mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, vệ sinh nơi ở và đưa trẻ tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ liều.

Theo khuyến nghị của chuyên gia, ba mẹ nên cho con tiêm đủ liều, đúng lịch và hoàn thành phác đồ với cùng một loại vắc-xin trong loạt các mũi tiêm cơ bản để phát huy hiệu quả tối ưu. Chỉ khi trong trường hợp bất khả kháng mà loại vắc-xin đang dùng không có sẵn, ba mẹ mới nên chuyển sang loại vắc-xin khác cùng thành phần để không trì hoãn lịch tiêm chủng cho trẻ.

leftcenterrightdel
 Trẻ tiêm các vắc-xin phòng bệnh đầu đời

Hiện Việt Nam đã có vắc-xin phối hợp 6 trong 1 phòng 6 bệnh trong cùng một mũi tiêm, bảo vệ trẻ khỏi 6 bệnh truyền nhiễm kể trên. Theo các nghiên cứu, vắc-xin 6 trong 1 tiêm đủ liều, đúng lịch có hiệu quả bảo vệ lên đến 99%. Vắc-xin có thành phần Ho gà vô bào nên hạn chế tối đa những lần bé phải đối diện với cảm giác sợ hãi khi tiêm phòng.

Vắc-xin 6 trong 1 hiện có hai loại gồm loại ở dạng pha sẵn và loại sẽ qua bước pha hồi chỉnh trước khi tiêm. Lịch tiêm đầy đủ 4 mũi vắc-xin 6 trong 1 như sau:

- Mũi 1: khi trẻ 2 tháng tuổi (sớm nhất là 6 tuần tuổi)

- Mũi 2: khi trẻ 3 tháng tuổi

- Mũi 3: khi trẻ 4 tháng tuổi

- Mũi 4: khi trẻ được 16-18 tháng.

Lưu ý cần hoàn thành 4 mũi tiêm trước 2 tuổi.

Theo Thanh niên