Chiều cao trung bình của người Việt tăng khoảng 1 - 1,5 cm sau mỗi thập niên - ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH
Dịp này, PGS-TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết chiều cao trung bình của người Việt tăng khoảng 1 - 1,5 cm sau mỗi thập niên. Tốc độ tăng chiều cao có thể gia tăng hơn nếu được can thiệp hiệu quả. Trong đó, chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực có vai trò quan trọng cho việc cải thiện chiều cao, cải thiện thể lực và phòng các bệnh mãn tính như: béo phì, đái tháo đường, tim mạch.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, mỗi năm Việt Nam có 1,6 triệu trẻ ra đời. Tại vùng nông thôn, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân thiếu chiều cao chiếm khoảng 10,7%; trẻ thừa cân béo phì tập trung tại thành thị, TP lớn như: Hà Nội, TP.HCM.
Cả nước có khoảng 50% trẻ dưới 5 tuổi thiếu hụt một hoặc nhiều vi chất như: kẽm, vitamin A tiền lâm sàng, can xi... Với người trưởng thành, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động thể lực là một trong nguyên nhân gia tăng các bệnh không lây nhiễm như thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa. Mỗi năm có 12,5 triệu người tăng huyết áp; 3,5 triệu người mắc đái tháo đường, là các bệnh liên quan mật thiết đến lối sống.
Tại Trung tâm dinh dưỡng và y học vận động Nutrihome (thuộc hệ thống Trung tâm tiêm chủng vắc xin VNVC), các chuyên gia khám, tư vấn dinh dưỡng, xây dựng phác đồ và hướng dẫn các bài tập thể lực phù hợp từng lứa tuổi, tình trạng bệnh lý, giúp cải thiện tối đa chiều cao; dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm.
Theo thanhnien