leftcenterrightdel
 Bà mẹ già nuôi con trai đang trong quá trình cai nghiện rượu sau khi vợ bỏ đi vì chồng suốt ngày say xỉn

Mỗi dịp lễ, tết… bên cạnh niềm vui sum vầy gia đình là nỗi buồn, lo lắng của các bà vợ vì thói quen nhậu nhẹt của chồng. Chị Thu H. - ở phường 16, quận 8, TPHCM - tâm sự: "Từ rằm tháng Chạp đến giờ, không có ngày nào chồng tôi không say. Lấy cớ tổng kết, gặp gỡ bạn bè, họp mặt đầu năm, ổng chìm trong rượu, bê trễ công việc, gia đình".

Nỗi khổ của chị H. cũng là nỗi niềm chung của nhiều người vợ. Chồng say xỉn khiến gia đình lục đục, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế, thậm chí có gia đình rơi vào bi kịch, vợ chồng ly tán cũng chỉ vì chồng mê nhậu. Do vậy, cai rượu cho chồng là điều bao người vợ mong muốn.

Nỗi ám ảnh mang tên "chồng nhậu"

Ở ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, ông Út Vị nổi tiếng cả vùng vì… nghiện rượu. Từ sáng sớm đến khuya, không bao giờ người ông dứt mùi men. Thời trẻ, ông đi nhậu tới đâu quậy tới đó và hay đánh vợ nên ông còn có tên là “Út quậy”. Ngoài 50 tuổi, “trình” nhậu của ông bắt đầu giảm, nhưng lúc nào cũng phải “tẩm” rượu vô người, vì không có rượu ông sẽ bủn rủn chân tay, người bứt rứt khó chịu. Do vậy, ngày nào ông cũng nhậu và nhà ông luôn là điểm tụ tập của cả hội nhậu. Bà Linh - vợ ông - không chỉ khổ vì chồng luôn chìm trong men rượu, bày bừa nhà cửa. Ngày nào, bà bán cơm cũng về nhà muộn, lại phải rửa chén, dọn nhà đến khuya. Tuy nhiên, nỗi khổ này chẳng là gì mỗi khi ông Vị bị bệnh, không uống được rượu nên lên cơn sảng rượu, phải nhập viện. Nhiều lần ông Vị nằm viện vừa điều trị bệnh xuất huyết bao tử vừa điều trị sảng rượu, làm vợ ông phải  bỏ buôn bán, đi nuôi chồng. Nhà khó khăn chồng khó khăn. 

Những ngày này, lên các hội, nhóm, diễn đàn về hôn nhân gia đình là gặp hàng trăm bà vợ “bán than“ về nạn sáng say chiều xỉn của các ông chồng. Chị N. Khánh Nguyên - nhân viên kế toán - kể: “Vợ chồng em kết hôn được 3 năm, có con gái 2 tuổi và đang bầu 4 tháng. Cuộc sống vợ chồng vui vẻ, hòa thuận. Kinh tế không dư giả, nhưng không quá khó khăn, chưa bao giờ cãi nhau hay tranh luận chuyện tiền bạc. Chỉ có vấn đề duy nhất và luôn là chủ đề của mọi cuộc giận dỗi: chồng em thường xuyên đi nhậu. Chồng em nhậu 3-4 lần/tuần và lần nào cũng về cực kỳ trễ, sớm nhất cũng 2g sáng, có hôm về lúc 4g, thậm chí 5g, mặc kệ vợ bầu bí, con khóc đòi ba. Trước đây, em cũng thoải mái với chuyện nhậu của chồng, nhưng gần đây chồng em bị viêm gan B do bia rượu, mỡ máu, a xít uric cao chót vót nên em khuyên chồng hạn chế. Nhỏ to, năn nỉ, rồi nói nặng, giận dỗi không biết bao lần. Em cũng nhiều lần bỏ về nhà ngoại, chồng năn nỉ, xin lỗi, hứa bỏ rượu, rồi đâu lại vào đó”.

Tuyệt chiêu cai nhậu cho chồng

Có một thực tế là, với nhiều ông chồng mê nhậu, dù vợ có làm gì thì chồng cũng chỉ bỏ được dăm bữa rồi lại “như chưa hề có cuộc chia ly” với rượu bia. Song cũng có những người vợ cao tay, đã dùng “chiêu độc” khiến các ông chồng tự gia giảm nhậu, thậm chí đoạn tuyệt với rượu.

leftcenterrightdel
 Một người đàn ông lên cơn sảng rượu, đang được điều trị tại cơ sở y tế

Bà Út Linh đã làm một cuộc cách mạng và “một cú ăn ngay” với chiêu làm bạn nhậu của chồng. Bà đã quá mệt mỏi trước ông chồng say xỉn và thấy chồng sức khỏe ngày càng xuống, đặc biệt là sau trận xuất huyết bao tử phải điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Linh bắt chồng cai rượu luôn. Bà vin vào khuyến cáo của bác sĩ: “Không được uống rượu, vì uống sẽ có nguy cơ tái phát bệnh, bệnh nặng có thể đe dọa tính mạng”. Nghe theo bác sĩ, ông Vị cai rượu được 2 tháng, nhưng hết bệnh thì ông lại lao vào nhậu. Biết chồng đã quen cảm giác nhậu và nhậu phải có bạn bè nên bà Linh không cấm, không cằn nhằn, mà chọn đồng hành với chồng trong mâm rượu.

Mỗi buổi trưa, trong bữa cơm, bà làm thêm dĩa mồi ngon như khô cá lóc nướng, cá trê làm gỏi sầu đâu mà chồng thích, rồi lấy 1 xị rượu, ngồi đối ẩm với chồng. Bà mua 2 cái chung uống rượu bé xíu, ông 1 ly, bà 1 ly và vợ chồng cũng cụng ly “dô” rồi mới uống. Bà Linh cứ uống một ngụm, mắt nhắm tịt (vì không chịu nổi vị cay nồng của rượu), rồi vỗ đùi cái đét “đã quá”. Bà nhại lại điệu bộ của chồng khi uống rượu, làm ông cười và thắc mắc: “Lúc nhậu, thần thái tui ghê vậy hả?”. Bà Linh gật đầu lia lịa: “Có bữa ông ói, tè tại chỗ luôn á”. Bị vợ khơi lại thành tích đáng quên, ông Vị cười giả lả: “Chuyện xưa rồi bà ơi, giờ tui khác rồi”. Tối, sau khi đi bán cơm về, bà Linh ngồi với chồng lâu hơn.

Bình thường, ông Vị chỉ uống rượu, ít ăn mồi hay cơm. Còn nhậu với vợ, bà liên tục gắp thức ăn cho chồng, ép ông ăn cơm và mỗi lần uống chỉ 1 xị rượu nên ông vẫn giữ được sự tỉnh táo, không say bét nhè như trước. Bà Linh kiên trì làm bạn nhậu với chồng, nhất là trong mùa dịch (thời điểm phong tỏa, cách ly), nên ông Vị đã hình thành nếp chừng mực. Đặc biệt, ông không còn đi “nhậu lang” (đi lang thang trong xóm kiếm người nhậu) và cũng không còn kéo bạn nhậu về nhà. 2 năm nay, ông chỉ uống vài chung trong bữa cơm, ông còn tỉnh táo phụ dọn chén dĩa, vợ rửa chén thì ông đi quét nhà, lau nhà, giữ cháu nội - điều mà trước đây bà Linh không dám mơ.  

“Anh cứ nhậu, hương khói có em lo”

Đây là chiêu đang được nhiều bà vợ loan truyền trong các nhóm chat, diễn đàn về hôn nhân gia đình, Chị Khánh Nguyên chia sẻ kinh nghiệm: “Chồng quá mê nhậu nên em không thèm quan tâm, kể cả khi chồng đi khám sức khỏe loại 3 em cũng lơ luôn. Em cho chồng biết, em đã mua bảo hiểm nhân thọ cho chồng và người thụ hưởng là em. Em tuyên bố: “Anh không sợ chết thì cứ đi nhậu thoải mái. Anh có bề gì thì mẹ con em đã có tiền bảo hiểm. Hương khói anh em sẽ lo chu đáo”. Sau đó, em giữ khoảng cách, lạnh lùng mỗi khi chồng đi nhậu về. Lúc đầu chồng có vẻ thích vì thoải mái, nhưng sau đó tự dưng nhậu về sớm hơn và hiện nay đã về nhà trước 23g. Em vẫn đang trong chiến lược “bơ” chồng và sẵn sàng cho việc… hương khói cho anh, nên chồng đã giảm tần suất nhậu từ 4 lần/tuần, còn 2 lần/tuần”. 

Chia sẻ này đã nhận được rất nhiều lượt yêu thích. Nhiều chị bày tỏ sự đồng tình, cho biết đã dùng chiêu này mà chồng đã bỏ rượu. Chị Ngọc Ánh tiết lộ: “Chồng mình có thời gian cũng suốt ngày nhậu nhẹt và cũng bệnh gan. Mình và ba mẹ chồng khuyên nặng nhẹ đều không được. Có lần, giữa đông bạn nhậu của chồng, mình nói luôn: “Anh có 2 lựa chọn: Thứ nhất, bỏ bia rượu, em sẽ lo thuốc thang, chữa bệnh cho anh tận tình. Thứ hai, Bình thường anh uống 1 thì giờ anh rủ bạn đi uống nhiều lên, gấp 3-4 lần, nếu thiếu tiền, em đưa. Có đi thì đi sớm chút, để em còn đang trẻ, còn nhiều sự lựa chọn. Đi muộn quá em lỡ thì mất”. Chị Ánh nói mà mặt tỉnh bơ và ráo hoảnh, sau đó chị vẫn giữ thái độ này và nhận ra chồng “rén” hẳn. Cũng theo chị Ánh: “Chẳng biết sợ chết hay sợ mất vợ mà 4 tháng rồi, chồng em bỏ luôn bia rượu và thuốc lá. Bạn bè rủ toàn tránh, thỉnh thoảng có việc mới uống ít”.

Với những ông chồng thường xuyên say xỉn thì cai nghiện rượu là điều rất cần thiết trong giữ gìn hạnh phúc. Cai nghiện rượu là một quá trình khó khăn, nhưng hoàn toàn có thể thành công, miễn có sự quyết tâm và nỗ lực của cả người nghiện lẫn người thân. “Hãy tin tưởng và động viên chồng bạn, bạn sẽ giúp anh ấy bỏ rượu thành công” - bà Linh đúc kết. 

 

Dưới đây là những bí quyết cai bia rượu cho chồng, được những bà vợ chia sẻ trên các diễn đàn:

- Nếu chồng uống vì áp lực công việc, hãy giúp anh ấy giảm bớt áp lực. Bạn có thể giúp chồng sắp xếp công việc hợp lý, giải tỏa căng thẳng bằng các hoạt động lành mạnh.

- Nếu chồng uống vì bạn bè rủ rê, bạn hãy nhỏ to với chồng, khuyên chồng hạn chế tiếp xúc với những người bạn đó.

- Nếu chồng bạn uống vì thói quen, hãy kiên nhẫn và động viên anh ấy bỏ.

- Nếu chồng không thể tự cai, bạn có thể cùng chồng đi gặp bác sĩ, chuyên gia và tham gia các chương trình trị liệu cai nghiện cùng chồng.

- Cùng chồng tham gia những hoạt động lành mạnh: đi bộ, chơi cầu lông, xem phim cùng nhau...

Một số địa chỉ có thể hỗ trợ bạn trong quá trình cai nghiện cho chồng:

* Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia: 78 Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

* Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2: đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Phong, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

* Bệnh viện Tâm thần TPHCM: 766 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5.

Ngọc Khánh (ghi)

Theo phụ nữ TPHCM