Các bà mẹ có thể tham khảo những tư thế cho con bú sau để trẻ bú được nhiều, không bị sặc sữa.
1. Tư thế ngồi
Các mẹ lưu ý, do mỗi cữ bú của trẻ kéo thường dài từ 15-30 phút nên cần chọn chỗ ngồi có điểm tựa thoải mái. Dưới đây là một số tư thế ngồi cho con bú đúng cách mà các mẹ có thể tham khảo:
Tư thế ôm nôi
Đây là tư thế đơn giản và dễ thực hiện nên được hầu hết các bà mẹ áp dụng. Với tư thế này, mẹ cần thực hiện các động tác sau:
- Bế em bé lên bằng hai tay và ngồi xuống ghế hoặc giường, tìm vị trí ngồi có điểm tựa vững chắc;
- Đặt thân và đầu của bé nằm trên một đường thẳng;
- Bụng của mẹ và bé áp sát với nhau;
- Mặt bé ở vị trí đối diện với núm vú.
Cho bé bú bên bầu ngực nào thì dùng tay cùng phía với bầu ngực đó để đỡ bé. Đảm bảo ba điểm: Đầu - lưng- mông bé nằm trên một đường thẳng và bé nằm nghiêng mình đối diện với bầu ngực của mẹ sao cho bụng bé chạm bụng mẹ, mặt của bé chạm ngực mẹ.
Tư thế ngồi tựa lưng cho con bú
Người mẹ nằm ngả lưng về phía sau (dựa lưng vào vách hoặc có gối kê) giữ nghiêng khoảng một góc 45 độ. Tiếp đó, đặt bé nằm trên bụng và tì vào ngực mẹ để bú. Mẹ nhẹ nhàng đặt tay trên lưng hoặc đỡ nhẹ phía sau đầu của trẻ. Với tư thế cho con bú này, mẹ không cần phải dùng sức quá nhiều để giữ bé.
Lưu ý: một sai lầm thường gặp đó là mẹ cho bé nằm ở tư thế ngửa và chỉ có đầu nghiêng về phía ngực mẹ, điều này sẽ làm cho bé cảm thấy không thoải mái khi bú mẹ và không tốt cho cổ của bé.
2. Tư thế nằm
Nếu bà mẹ sau sinh không đủ sức khỏe để ngồi, mẹ có thể nằm trên giường và cho bé nằm nghiêng bên cạnh để bú. Tuy nhiên, tốt nhất mẹ nên tập ngồi dậy và đi lại sớm sau sinh để khí huyết lưu thông, giúp mau hồi phục sức khỏe và sớm cho bé bú ở tư thế ngồi.
Đây là tư thế mà rất nhiều mẹ thực hiện bởi vì trẻ sẽ bú được lượng sữa nhiều ở tư thế này. Khi cho con bú ở tư thế này mẹ nằm nghiêng song song với con sau đó đặt con sát cạnh người rồi lấy tay đỡ lấy đầu con và hướng dần cho con quay đầu vào vú để bú.
- Người mẹ nằm nghiêng, dùng gối kê cao đùi và đầu gối;
- Đặt bé nằm theo tư thế nghiêng, quay đầu bé vào ngực mẹ;
- Điều chỉnh sao cho miệng bé đối diện với núm vú;
Kê gối hoặc dùng tay đỡ đầu bé cao để tránh hiện tượng sặc sữa;
- Kéo người bé sát lại gần mẹ để bú;
- Mẹ dùng tay còn lại đỡ đầu hoặc ôm hông trẻ để con dễ bú hơn.
Đây là tư thế mẹ được thư giãn và thoải mái nhất nên mẹ rất dễ bị ngủ quên và con cũng vậy. Nếu mẹ ngủ quên mà không rút đầu ti ra khỏi miệng của con thì có thể đầu ti sẽ đè lên mũi của con dẫn đến tình trạng ngạt thở rất nguy hiểm. Vì vậy, khi thực hiện tư thế này mẹ phải luôn tỉnh táo để quan sát con, đảm bảo an toàn khi cho con bú, chỉ ngủ khi ti mẹ được rút ra khỏi miệng của bé.
Nếu mẹ thư giãn và trẻ ngậm núm vú đúng cách, cơ thể mẹ sẽ tiết ra nhiều sữa hơn.
Kỹ thuật giữ bầu vú khi cho trẻ bú
Bên cạnh việc cho trẻ bú đúng tư thế, mẹ cũng cần hỗ trợ để con có thể bú được nhiều sữa nhất có thể. Các mẹ có thể tham khảo kỹ thuật giữ bầu vú khi cho trẻ bú như sau:
Mẹ đặt 4 ngón tay áp vào thành ngực ở dưới vú; Ngón tay trỏ nâng vú; Ngón tay cái để ở phía trên; Các ngón tay của bà mẹ không nên để quá gần núm vú và không nên khum lại như gọng kìm khi đỡ vú vì sẽ chặn dòng sữa chảy ra. Nhận biết cách ngậm bắt vú đúng
Để biết con có đang ngậm vú đúng cách hay không, các mẹ có thể quan sát các dấu hiệu trẻ ngậm bắt vú đúng như sau:
– Miệng trẻ mở rộng, ngậm sâu quầng vú và cả các mô ở phía dưới vì các ống dẫn sữa lớn nằm trong các mô ở phía dưới quầng vú;
– Cằm chạm vào vú mẹ;
– Môi dưới của trẻ hướng ra ngoài;
– Quầng vú phía trên miệng trẻ nhiều hơn ở phía dưới;
– Lưỡi bé chìa ra ngoài, trên môi dưới và dưới núm vú;
– Trẻ ngậm bắt vú đúng thì miệng và lưỡi không cọ xát vào da vú và núm vú, không gây tổn thương vùng da và núm vú của mẹ.
Mẹ cần nhận biết dấu hiệu trẻ bắt vú sai như: Miệng bé không mở rộng ngậm cả mô vú phía dưới, môi bé mím vào. Lưỡi bé đặt sau nướu/lợi hàm dưới, không ép vào các xoang sữa được. Bé quấy khóc, bực bội.
Theo suckhoedoisong.vn