Điều kiện bảo quản sữa mẹ
Sữa mẹ vắt ra phải được đựng trong dụng cụ sạch sẽ. Sữa sau khi vắt, nếu chưa cho trẻ ăn ngay thì được bảo quản trong điều kiện như sau: Ở nhiệt độ phòng là 19-26 độ C, thời gian bảo quản tốt nhất là 4 tiếng (có thể để từ 6-8 tiếng. Trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 4 độ C, thời gian bảo quản tốt nhất là 4 ngày. Trong ngăn đá tủ lạnh, nhiệt độ từ -18 đến -20 độ C thì thời gian bảo quản tốt nhất là 6 tháng (có thể để tới 12 tháng).
Cho trẻ ăn sữa mẹ đã vắt ra. Đối với sữa đã bảo quản, trước khi cho ăn cần tiến hành rã đông sữa và làm nóng sữa như sau: Rã đông sữa, đưa sữa lên ngăn mát tủ lạnh cho đỡ đông sau đó để ở nhiệt độ thường cho tan hết đá, lắc đều sữa rồi làm nóng sữa. Làm nóng sữa bằng cách ngâm bình sữa trong nước nóng vài phút, khi sữa ấm lên là được. Lưu ý không đun sôi sữa. Cho trẻ ăn bằng thìa và cốc sẽ tốt hơn khi cho trẻ bú bằng bình và núm vú giả.
Ưu điểm của việc cho trẻ ăn bằng thìa và cốc là dễ dàng vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần ăn; Tránh cho trẻ thích bú bình mà bỏ bú mẹ; Tránh hiện tượng dị ứng do vú cao su không đảm bảo chất lượng.
Không cho trẻ sơ sinh bất cứ đồ ăn thức uống gì ngoài sữa mẹ, trừ khi có chỉ định của y tế. Cho trẻ ăn bất cứ thứ gì trước bữa bú đầu tiên được gọi là ăn trước khi xuống sữa. Ăn trước khi xuống sữa sẽ làm cho trẻ không được bú sữa non. Nếu cho trẻ ăn các loại sữa khác không phải sữa mẹ (gọi là sữa thay thế sữa mẹ hay sữa ngoài) sẽ làm cho trẻ không dung nạp các chất đạm có trong sữa.
Nếu làm thỏa mãn cơn đói của trẻ bằng sữa ngoài sẽ làm cho trẻ không muốn bú sữa mẹ. Nếu cho trẻ ăn dù chỉ là vài bữa sữa ngoài sẽ làm cho bà mẹ bị cương tức vú, tắc tia sữa... điều này sẽ làm cho việc nuôi con bằng sữa mẹ bị ngừng sớm hơn. Rất nhiều người cho rằng sữa non không đủ số lượng và dinh dưỡng cho trẻ sau khi sinh nhưng thực tế, lượng sữa non hoàn toàn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng, với dung tích và khả năng tiêu hóa, hấp thu của dạ dày trẻ sơ sinh.
Những khó khăn khi cho con bú
Không đủ sữa: Muốn tạo được nhiều sữa bà mẹ cần cho con bú sớm ngay sau khi sinh, cho trẻ bú nhiều lần, bú đúng cách để kích thích phản xạ tiết sữa và phun sữa. Nên cho trẻ bú nhiều vào ban đêm cũng là một cách để tăng cường sự tạo sữa. Nếu bà mẹ phải đi làm, không có điều kiện cho con bú thường xuyên thì bà mẹ phải vắt sữa thường xuyên để kích thích vú tạo sữa.
Nứt núm vú: Thường do nguyên nhân trẻ ngậm bắt vú sai. Nếu trẻ ngậm bắt vú sai, trẻ sẽ kéo núm vú vào và đẩy ra trong khi mút bú, đồng thời chà xát da của núm vú lên miệng trẻ. Điều này làm cho bà mẹ rất đau, sau nhiều lần bú kiểu này, da ở núm vú sẽ bị tổn thương gây nứt núm vú. Xử trí bằng cách thực hiện ngậm bắt vú đúng, triệu chứng đau sẽ giảm đi.
Cương tức vú: Nguyên nhân: Không cho trẻ bú sớm, bú thường xuyên, ngậm bắt vú sai, hạn chế thời gian mỗi bữa bú. Phòng ngừa bằng cách cho trẻ bú sớm, bú thường xuyên và giúp trẻ ngậm bắt vú đúng. Xử trí bằng cách: Nếu trẻ bú được thì phải cho trẻ bú thường xuyên, nếu trẻ không bú được thì phải vắt sữa bằng tay hoặc dùng bơm hút sữa. Trước khi cho bú dùng gạc ấm đắp lên vú. Sau khi cho bú thì dùng gạc lạnh để giảm phù nề.
Tắc ống dẫn sữa và viêm vú: Khi ống dẫn sữa bị tắc làm sữa bị ứ trệ gây ra viêm vú, có thể viêm từ không nhiễm trùng đến viêm nhiễm trùng. Xử trí: trước hết phải cải thiện sự lưu thông ở ống dẫn sữa sau đó tìm nguyên nhân để giải quyết nếu sau 24 giờ các triệu chứng không giảm phải điều trị thêm bằng thuốc kháng sinh, giảm đau và nghỉ ngơi hoàn toàn.
Núm vú phẳng và bị tụt vào trong: Xử trí trước đẻ thường không có giá trị, ngay sau khi đẻ phải giúp bà mẹ tin tưởng rằng trẻ bú từ vú chứ không phải từ núm vú, giúp bà mẹ cho trẻ ngậm vú đúng, cố gắng cho trẻ bú ở những tư thế khác nhau. Giúp bà mẹ làm cho vú dài ra bằng cách sử dụng bơm hút đầu vú ra.
Chăm sóc nguồn sữa mẹ.
Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ cần có thêm năng lượng để tạo sữa, có thời gian để nghỉ ngơi, lao động vừa phải. Nếu phải lao động nhiều mà ăn uống không đủ bà mẹ sẽ phải sử dụng chất dinh dưỡng dự trữ trong các mô của cơ thể để tạo sữa và vận động; bà mẹ sẽ bị suy dinh dưỡng.
Bà mẹ ăn uống đầy đủ sẽ có đủ sữa và chất lượng sữa tốt cho con bú. Chú ý ăn thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như tôm, cua, cá, trứng, sữa, thịt, đậu đỗ, lạc vừng, rau xanh và quả chín. Nên ăn nhiều bữa và ăn nhiều hơn bình thường. Uống nhiều nước (1,5 đến 2 lít/ngày) vì cơ thể cần nhiều nước cho sự tiết sữa. Không nên ăn các loại thức ăn nhiều gia vị (ớt, tiêu, hành tỏi). Không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá. Chỉ dùng thuốc khi có sự hướng dẫn của cán bộ y tế
Sau 6 tháng tránh thai tự nhiên, người phụ nữ có thể sử dụng một biện pháp tránh thai, nhưng không nên sử dụng thuốc uống tránh thai có Estrogen. Thay vào đó, có thể sử dụng thuốc có Progestogen vì không ảnh hưởng tới quá trình tạo sữa.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ, bú mẹ có lợi cho cả mẹ và con. Trẻ cần được bú sữa non, bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng.
Theo suckhoedoisong.vn