1. Biểu hiện và nguyên nhân của rối loạn kinh nguyệt
Bất thường về chu kỳ kinh là khi vòng kinh của phụ nữ dài trên 35 ngày (kinh thưa) hay ngắn dưới 22 ngày (kinh mau), thậm chí là không có kinh từ 6 tháng trở lên (vô kinh). Ngoài ra, còn có một số bất thường như sau:
- Bất thường về máu kinh: Là những bất thường về số lượng và ngày có kinh.
- Cường kinh: còn gọi là băng kinh, lượng máu kinh trên 20ml/kỳ.
- Thiểu kinh: Số ngày có kinh dưới 2 ngày và lượng kinh dưới 20ml/kỳ.
- Rong kinh: Số ngày có kinh trên 7 ngày.
- Màu kinh: Thường là máu đỏ thẫm, có mùi hơi tanh, không đông, nếu máu kinh có lẫn máu cục hoặc máu đỏ tươi hay hồng nhạt là bất thường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn kinh nguyệt như ảnh hưởng của nội tiết tố bao gồm tuổi dậy thì, mãn kinh, mang thai, sinh con và cho con bú sẽ làm ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Có những nguyên nhân thực thể như chửa ngoài tử cung, ung thư cổ tử cung, buồng trứng đa nang, u tuyến yên, bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường, nhiễm khuẩn đường sinh dục, viêm niêm mạc tử cung…
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân do tác động của yếu tố bên ngoài như: Môi trường sống hoặc thói quen sinh hoạt có sự thay đổi, các yếu tố tâm lý như căng thẳng tâm lý thường xuyên, mệt mỏi, stress, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, vận động quá mức, những người béo phì hay quá gầy. Hoặc các loại thuốc tránh thai cũng làm thay đổi hormone sinh dục đều có thể gây rong kinh hoặc tắt kinh trong thời gian dài.
2. Những hệ lụy do rối loạn kinh nguyệt gây ra
Rối loạn kinh nguyệt tuy không phải là bệnh nhưng có thể gây ra những hệ lụy mà phụ nữ không thể chủ quan:
Tình trạng thiếu máu: Khi kinh nguyệt bị rối loạn, lượng máu kinh ra nhiều gây ra thiếu máu. Nếu bị thiếu máu, không có đủ tế bào hồng cầu và huyết sắc tố để mang oxy cần thiết đến tất cả các mô và cơ quan trong cơ thể.
Khi bị thiếu máu, phụ nữ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, yếu, chóng mặt hoặc khó thở… dẫn đến khó tập trung làm việc, ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Nguy cơ bị các bệnh phụ khoa và bệnh lý nguy hiểm: Khi máu kinh kéo dài gây ẩm ướt là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây nên bệnh phụ khoa lây lan sang nhiều bộ phận sinh dục khác khiến việc điều trị khó khăn, lâu dài.
Bệnh kéo dài có thể biến chứng thành nhiều bệnh lý nguy hiểm như: ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung...
Nguy cơ vô sinh hiếm muộn: Kinh nguyệt không đều, không có kinh nguyệt hoặc chảy máu bất thường thường sẽ không gây ra hiện tượng rụng trứng. Rụng trứng không đều hoặc bất thường chiếm 30% đến 40% trong tất cả các trường hợp vô sinh.
3. Điều trị rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ, phụ nữ nên thường xuyên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, khi vòng kinh dài ngắn bất thường hay lượng máu mất đi trong những ngày có kinh quá nhiều cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám và điều trị để không ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản.
Ngoài ra, khi có triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, phụ nữ nên cải thiện chế độ ăn uống: bổ sung nhóm thực phẩm giàu vitamin B như cá, thịt bò, trứng, sữa…; ăn nhiều các loại rau, quả có màu đỏ đậm như cà rốt, cà chua; ngủ nghỉ, làm việc phù hợp, tập thể dục đều đặn, luôn giữ tâm lý thoải mái. Hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác, nếu sử dụng thuốc tránh thai nên có sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ…
Theo suckhoedoisong.vn