leftcenterrightdel
 Trước đây, Williams nghĩ bệnh tim chỉ xảy ra với người lớn tuổi hoặc người nghiện thuốc lá, nghiện rượu nặng. Ảnh:Brittany Williams

Theo Insider, Brittany Williams (32 tuổi, sống ở St. Petersburg, Florida) từng làm việc cho công ty kế toán ở Tallahassee, Florida, vào năm tuổi 24.

Lúc ấy, cô cảm thấy nửa người bên trái của mình tê liệt. Sau khi tìm hiểu tài liệu trên Google, cô biết được đột quỵ, nhồi máu cơ tim và ngưng tim ngoại viện có thể là nguyên nhân của triệu chứng này.

Chủ quan với triệu chứng

Khi chia sẻ với sếp về dấu hiệu này, sếp bảo Williams đang làm quá vấn đề và cô cũng đồng ý với việc này. "Khi ấy, tôi chỉ mới 24 tuổi. Tôi chạy 5 dặm mỗi ngày, ăn uống và sinh hoạt rất lành mạnh”, Williams nói.

Vì vậy, cô đã nghĩ mình quá căng thẳng vào giai đoạn khai báo thuế cá nhân cũng như áp lực ở chỗ làm. Nhưng vài ngày sau, trong chuyến du lịch cùng gia đình đến New York, Williams đã ngã gục tại quán bar ở Times Square.

Đôi mắt của Williams trợn ngược lên và cô ấy ngã quỵ. May mắn thay, ngay lúc đó, hai bác sĩ nhãn khoa trong quán bar. Họ thực hiện hô hấp nhân tạo cho cô sau khi không thể phát hiện ra mạch đập.

Williams kể lại: “Không khí sôi nổi, tràn đầy năng lượng khi cổ vũ cho trận bóng trong quán bar bỗng chốc bị bao phủ bởi sự im lặng. Tôi chỉ nhớ mình đã nghe thấy giọng nói của mẹ: ‘Brittany, mẹ yêu con. Đừng bỏ mẹ’”.

Sau 8 phút hô hấp nhân tạo, các nhân viên y tế đã đến và cấp cứu cho tim của Williams bằng máy khử rung tim ngoài tự động trước khi đưa cô đến bệnh viện. Thậm chí, một số vị khách của quán bar còn giúp chặn giao thông để dọn đường cho xe cứu thương và những người khác đi bộ đến nhà thờ lớn gần đó để cầu nguyện.

leftcenterrightdel
 Williams chia sẻ câu chuyện của cô để khuyến khích mọi người tìm kiếm sự giúp đỡ khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh tim. Ảnh:Brittany Williams.

Bác sĩ cho hay cô bị ngưng tim ngoại viện. Tình trạng này khác với nhồi máu cơ tim, xảy ra do tắc nghẽn động mạch vành. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, khoảng 90% người bị ngưng tim ngoại viện có thể chết.

"Tôi không tin điều đó. Tôi chỉ nghĩ rằng bệnh tim xảy ra với người lớn tuổi hoặc người nghiện thuốc lá, nghiện rượu nặng chứ không phải với người trẻ tuổi, thích vận động như tôi. Tôi không bao giờ hình dung mình sẽ bị ngưng tim”, Williams chia sẻ.

Cuộc sống với các thiết bị trợ tim

Nhập viện trong 8 ngày, Williams được chẩn đoán mắc hội chứng QT dài. Theo Mayo Clinic, đây là chứng rối loạn tín hiệu tim, gây ra nhịp tim nhanh và hỗn loạn. Tổ chức Quốc gia về Các bệnh hiếm gặp ước tính khoảng 1/2.000 người được sinh ra có tình trạng này.

Williams phải trải qua thủ thuật cấy ghép máy khử rung tim bên trong cơ thể để theo dõi nhịp tim và dần dần đưa nó trở lại nhịp điệu bình thường nếu xảy ra ngưng tim ngoại viện lần nữa.

Khi trở lại Florida, Williams phải vật lộn để thích nghi với cuộc sống gắn đầy thiết bị.

"Tôi rất sợ mỗi khi hoạt động sẽ khiến tim đập nhanh, ngưng tim hoặc tôi sẽ bị sốc", cô nói.

Có lần, khi đang ở bàn làm việc, nhịp tim của cô vượt quá 350 nhịp/phút nhưng thiết bị lại không phát huy tác dụng. Kể từ đó, Williams phải cấy một máy tạo nhịp tim vào buồng tim khác của mình.

Bây giờ, Williams đang tập trung vào những gì cô ấy có thể kiểm soát như duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục vừa phải và tăng cường nhận thức về bệnh tim. Cô muốn mọi người học cách nhận biết các dấu hiệu ngưng tim ngoại viện và thực hiện hô hấp nhân tạo nếu cần thiết.

Theo zingnews