Giảm bệnh rõ rệt

Cách nhập viện 3 tuần, em N.L.L.D. - 11 tuổi, ở tỉnh Bình Định - cảm thấy hơi đau ở vùng xương đùi, khớp háng chân bên phải. Ban đầu, gia đình nghĩ em hay chạy nhảy nên đau nhức nên nhắc D. bớt vận động. Tuy nhiên, cơn đau ngày một nhiều. Phụ huynh liền đưa em đến bệnh viện. Bác sĩ đã chẩn đoán em bị viêm khớp háng, cho thuốc kháng sinh và yêu cầu hạn chế đi lại.

leftcenterrightdel
 Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang điều trị cho bé T.

Sau khi uống thuốc vài ngày, các cơn đau có thuyên giảm nhưng ngay sau đó em đau chân trở lại. D. nói: “Lần đau này, con đứng không được nữa. Mọi sinh hoạt chỉ nằm trên giường”. Anh Nguyễn Văn Việt - cha của D. - cho biết gia đình đã cho em nhập viện điều trị gần 20 ngày vẫn không thuyên giảm. Bác sĩ tư vấn gia đình cho D. phẫu thuật thay khớp háng bởi ổ viêm đã khá nặng.

Gia đình đã xin chuyển con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) điều trị. Bác sĩ chẩn đoán D. bị viêm khớp háng nặng, lan ra các dây thần kinh xung quanh. Tuy nhiên, có thể điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền. D. được ngưng sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm trước đó. Bác sĩ châm cứu ở vùng đùi, rồi dùng ngải cứu hơ phần trên của kim châm và các huyệt đạo xung quanh… 1 tuần sau điều trị, các cơn đau của D. giảm dần, em có thể tự ngồi, cử động nhẹ chân. Em cũng được tập phục hồi chức năng. Qua 3 tuần điều trị, em đã tự đứng, đi lại được đoạn ngắn. D. nói: “Tính đến nay con được châm cứu khoảng 10 lần. Con cũng đã đi lại được nhiều rồi, không còn thấy đau nữa. Con và cha rất mừng vì con không bị mổ, cũng như con sắp hết bệnh, về nhà đi học trở lại”.

Vừa trò chuyện với bé P.H.T. - 8 tuổi, ở tỉnh Đắk Lắk - bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Sang - Trưởng khoa Tâm lý - Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền Bệnh viện Nhi Đồng 2 - vừa dùng tay xoa bóp, mát xa đầu cho bé. Bé T. thủ thỉ: “Cha con hay uống rượu. Mỗi lần cha về nhà, con sợ lắm, không dám ngủ. Bởi vì cha đánh con nhiều. Con không biết con làm sai điều gì, chỉ cần cha bắt được con, là sẽ đánh liên tục”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, bé T. đang bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, cảm xúc rất nặng. Mỗi lần nói chuyện, bé đều than nhức đầu, chóng mặt, muốn ói, bé thường cụp mắt, không dám nhìn người đối diện. Do mất ngủ kéo dài, bé luôn trong tình trạng căng thẳng, không thể tập trung học tập. Bác sĩ quyết định dùng y học cổ truyền hỗ trợ điều trị tâm lý cho bé. Sau mỗi phiên tư vấn tâm lý, bé T. sẽ được đến phòng y học cổ truyền thư giãn bằng xông ngải cứu, mát xa, xoa bóp giúp giảm căng thẳng, điều chỉnh giấc ngủ. Qua lần điều trị đầu tiên, T. đã có giấc ngủ sâu, giảm căng thẳng, các cơn đau đầu cũng không còn.

Đến nay, bé đã hết chóng mặt, buồn nôn, hòa đồng hơn. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết nếu muốn điều trị dứt điểm, cha của T. cũng cần phải được điều trị nhưng người thân của T. cho biết cha của em sẽ không hợp tác.

Sẽ triển khai thêm nhiều kỹ thuật

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang cho biết, tính tới hiện tại, Khoa Y học cổ truyền tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 là khoa đầu tiên về y học cổ truyền nhi của cả miền Nam. Bệnh viện kết hợp y học cổ truyền để có thêm phương pháp không dùng thuốc vào chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho trẻ. Y học cổ truyền có thế mạnh điều trị tốt các bệnh lý thần kinh, suy nhược cơ thể, các bệnh lý về tiêu hóa… với những phương pháp không dùng thuốc như xoa bóp, bấm huyệt, chườm thảo dược… Ở các bé bị các chứng lâu ngày vẫn có thể dùng phương pháp châm cứu.

“Tuy y học cổ truyền mới đi vào hoạt động khoảng 4 tháng nhưng mang lại hiệu quả điều trị rõ rệt” - bác sĩ Nguyễn Thanh Sang nói. Với kỹ thuật ôn châm (vừa châm cứu vừa dùng ngải cứu hơ ấm), kỹ thuật cứu (dùng ngải cứu hơ lên huyệt vị), cùng với phương pháp xoa bóp, mát xa… đã hỗ trợ điều trị rất tốt cho bệnh nhi bị mất ngủ, đau đầu, suy nhược cơ thể.

Hiện tại, khoa còn tiếp nhận các bé bị đau đầu, đau bụng, suy nhược cơ thể, mất ngủ, rối loạn Tic, bệnh về tiêu hóa như trào ngược dạ dày, thực quản, viêm dạ dày, rối loạn đại tiểu tiện, viêm xoang, viêm mũi dị ứng… Trước những hiệu quả đó, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng đang trình Sở Y tế TPHCM tiếp tục thực hiện thêm các danh mục như cấy chỉ, nhĩ châm, lazer châm… Đây là những phương pháp giúp bệnh nhi thoải mái hơn và cũng không gây đau nhiều cho người bệnh. Ngay sau khi được Sở Y tế TPHCM cho phép, bệnh viện sẽ triển khai các kỹ thuật mới như thủy châm, cấy chỉ cho trẻ.

Bác sĩ Dương Tâm Thanh (Khoa Tâm lý - Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền của bệnh viện) cho biết: “Bằng các kỹ thuật châm cứu, hơ ngải cứu, bé D. đã tránh được ca mổ lớn đầu đời. Phục hồi nhanh hơn mong đợi mà không phải sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm. Trên thực tế, có những bệnh bắt buộc trẻ cũng phải sử dụng thuốc tây y mới điều trị khỏi. Tuy nhiên, bé có thể gặp các tác dụng phụ của thuốc, gây chán ăn, mệt mỏi. Khi đó, y học cổ truyền có thể giúp bé giảm chán ăn, đau đầu, bồi dưỡng cơ thể, đẩy nhanh quá trình hồi phục”.

Theo bác sĩ Dương Tâm Thanh, tùy theo bệnh của trẻ, hiệu quả điều trị cũng sẽ khác nhau, nếu trẻ hay bị đau đầu, mệt mỏi thường sẽ hồi phục khoảng 80 - 90% sau 1 đợt châm cứu. Những bé rối loạn giấc ngủ, suy nhược cơ thể có thể hồi phục sau 2 hoặc 3 đợt điều trị… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong áp dụng y học cổ truyền điều trị cho bệnh nhi là trẻ không biết diễn tả cảm giác đau, khó chịu, sợ kim châm, không hợp tác, nhiều gia đình ở tỉnh xa, điều kiện khó khăn trong việc cho con điều trị.

Theo phụ nữ TPHCM