“Ngày thứ Hai” là căn bệnh khó tránh của dân văn phòng, hầu như ai cũng mắc và theo khảo sát thì nó còn đáng sợ hơn cả việc đến hạn trả nợ ngân hàng (?!). Hơn nữa, nếu bạn lỡ quá chén vào tối Chủ nhật, sáng thứ Hai sẽ thực sự không khác gì… địa ngục. Họng đau rát, bụng thì khó chịu, đầu vẫn còn choáng váng… Vào một ngày như thế, những chuyện nhỏ nhặt cũng dễ làm ta phát bực.

Ngay cả khi không phải do bia rượu, căn bệnh ngày thứ Hai cũng trở nên nặng hơn khi bạn có ông/bà sếp độc đoán, công việc không phù hợp hoặc bạn phải làm việc quá sức nhưng không được đánh giá, đền đáp xứng đáng.

Ảnh mang tính minh họa - Racool_studio
Ảnh mang tính minh họa - Racool_studio

 

Cuối tuần, chúng ta thường thức khuya hơn bình thường, có thể là do đi chơi xa hoặc nhâm nhi nhảy nhót đến đêm muộn, khiến thói quen sinh hoạt thường ngày dễ bị phá vỡ. Để rồi khi quay trở lại làm việc vào thứ Hai, bạn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng hơn những ngày khác trong tuần. Thêm vào đó là sự uể oải về tinh thần do cuộc sống hằng ngày nhàm chán, căng thẳng trong công việc càng làm cho tinh thần ngày thứ Hai lúc nào cũng ốm yếu.

Liệu có nhân viên văn phòng nào miễn nhiễm với căn bệnh này không? Có lẽ chỉ những ai đã đạt được “tự do tài chính” mới miễn dịch được với căn bệnh đáng sợ này, vì bạn không bị phụ thuộc vào công việc nào đó để kiếm sống nữa. Ngược lại, chừng nào chúng ta còn phải đi làm, sự mệt mỏi vào thứ Hai sẽ luôn xuất hiện.

Lạ một điều, chúng ta có cuối tuần và những ngày lễ để thư giãn và thỏa thích làm những gì mình muốn, nhưng tại sao vào thứ Hai ai cũng lại vật vã như phải làm liên tục cả tuần thế kia? Liệu cách bạn thư giãn cuối tuần đã thực sự ổn? Khi có cơ hội để nghỉ ngơi, đa số chúng ta lại bị hẫng một nhịp để suy nghĩ “Mình nên làm gì đây?”. Sở thích của đại đa số người là ngủ, đọc sách, xem phim, vẽ, nghe nhạc, đạp xe, tập thể dục, đi dạo, thiền, chơi với con, ăn đồ ăn ngon…

Nhưng nghỉ ngơi không phải là càng nhiều thời gian càng tốt, mà phải biết cách tận hưởng sự nghỉ ngơi đó thật trọn vẹn, tập trung hoàn toàn vào bản thân, dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Tất nhiên, mỗi người có một cách thư giãn khác nhau, tùy theo lối sống và khả năng. Điều quan trọng nhất khi nghỉ ngơi là cảm giác chìm đắm vào bản thân và quên luôn thời gian. Lúc đó, bạn phải thực sự vui và hào hứng, chứ không phải trải qua một ngày buồn chán chỉ biết ngẩn ngơ và không làm gì. Tận dụng tốt thời gian nghỉ tức là dành thời gian rảnh để làm những việc khiến mình thấy vui và hạnh phúc. Đây chẳng phải là cách nghỉ ngơi lý tưởng nhất sao?

Nhà xã hội học người Áo - Helga Nowotny - gọi nghỉ ngơi là “thời gian dành cho bản thân”. Ông cho rằng: “Nghỉ ngơi chính là sự hợp nhất giữa tôi và những điều tôi cho là quan trọng trong cuộc đời”. Chính vì thế, nghỉ ngơi không phải là vấn đề nhiều hay ít thời gian mà ở cách bạn sử dụng nó như thế nào, chẳng hạn như trò chuyện vui vẻ với người thân hay ăn những món ngon, đó chính là nghỉ ngơi có giá trị. Những thói quen thư giãn này cũng nên được duy trì vào các ngày cuối tuần hay ngày lễ. Bệnh ghét thứ Hai giống như một loại vi rút, sẽ sản sinh khi không được nghỉ ngơi đúng cách.

Ảnh mang tính minh họa - BenzoiX
Ảnh mang tính minh họa - BenzoiX

 

Vậy phải chữa bệnh sợ thứ Hai bằng cách nào? Nếu vào sáng Chủ nhật, bạn lại thấy tâm trạng nặng nề vì mai lại là thứ Hai, hãy lấy xe đạp ra và vui vẻ đạp xe dọc theo con đường đầy hoa cỏ ven sông, ngắm nhìn bầu trời. Không có xe đạp thì chạy bộ cũng được. Sau tầm 1 giờ, toàn thân sẽ lấm tấm mồ hôi, nhưng tâm trí bạn sẽ thấy nhẹ nhàng. Và khi tận hưởng khung cảnh thiên nhiên bằng cả tâm hồn thanh thản sau một thời gian dài ngập trong áp lực công việc và cuộc sống, bạn sẽ thấy mình trong trạng thái thư thái và sảng khoái.

Để chấm dứt căn bệnh ngày thứ Hai, tôi tin rằng “nghệ thuật thư giãn” là vô cùng cần thiết, giúp bạn tận hưởng khoảng thời gian quý báu của mình với cảm giác tự do, giải thoát và biến nó thành nguồn năng lượng mới. 

Theo phụ nữ TPHCM