Dưới đây là một số cây thuốc phổ biến có tác dụng cải thiện giấc ngủ cho người bệnh.
Tâm sen cải thiện chứng mất ngủ
Tâm sen còn gọi là liên tâm, là phần mầm ở giữa hạt sen. Từ lâu nay nhiều người đã biết sử dụng tâm sen pha trà hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ. Theo Đông y, tâm sen có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, an thần.
Theo các nghiên cứu hiện đại, trong tâm sen có chứa nhiều hoạt chất tốt cho cơ thể như neferin, nuciferine, đây là các thành phần giúp cải thiện giấc ngủ, giảm tình trạng bồn chồn, lo lắng.
Bên cạnh đó các nghiên cứu cũng cho thấy tâm sen giúp tăng cường vận chuyển máu và oxy lên não giúp thư thái và dễ vào giấc hơn.
Có thể nói tâm sen là một vị thuốc chữa mất ngủ rất hiệu quả nhưng cần lưu ý tâm sen có tính lạnh, theo Đông y không phù hợp với những người huyết áp thấp, thể trạng hàn, hư nhược, người tiêu hóa kém, hay đi ngoài.
Khi sử dụng tâm sen cũng phải lưu ý nếu thấy cơ thể quá mệt mỏi, uể oải, đầy bụng thì cần dừng lại ngay, tránh việc sử dụng quá nhiều làm ảnh hưởng tới dương khí và tỳ vị.
Tâm sen là phần mầm giữa hạt sen có tác dụng cải thiện chứng mất ngủ.
Lá vông
Cũng như tâm sen, lá vông nem là một loại thuốc nam quen thuộc được nhiều người sử dụng hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ. Các nhà khoa học đã phát hiện ra lá vông có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, trấn tĩnh, gây ngủ, gây hạ thân nhiệt và hạ huyết áp.
Theo Đông y, lá vông có vị nhạt hơi chát, đắng, tính bình, quy kinh đại tràng và vị. Lá vông có các tác dụng trừ phong thấp, tiêu tích, sát trùng và thường xuyên được sử dụng điều trị các chứng mất ngủ, lo âu, phiền muộn, chóng mặt, nhức đầu.
Lá vông sau khi hái về, rửa sạch có thể đun lấy nước uống hoặc nấu canh ăn hằng ngày đều cho tác dụng an thần rất hiệu quả. Cần lưu ý rằng dùng lá vông nem không nên sử dụng với liều quá cao có thể dẫn đến tình trạng nhức mỏi cơ, sụp mi, liều dùng được khuyến cáo chỉ từ 6 - 30g/ngày và không nên sử dụng quá 10 - 15 lá/ngày.
Bình vôi
Bình vôi là loại thuốc nam có hiệu quả tốt trong điều trị các chứng mất ngủ. Theo các nghiên cứu dược lý hiện đại, thành phần hóa học chủ yếu có trong củ bình vôi được đặt tên là rotundin.
Rotundin trên lâm sàng được áp dụng rộng rãi để điều trị hiệu quả một số trường hợp đau tim, hen, đau bụng, lỵ amip, và có tác dụng rõ rệt nhất là ngủ mà an thần.
Theo Đông y, củ bình vôi có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu ứ, chỉ thống, khư phong, được sử dụng trong điều trị các chứng mất ngủ, ho hen, kiết lỵ, sốt, đau bụng.
Củ bình vôi thái nhỏ, phơi khô có thể dùng dưới dạng sắc nước hoặc ngâm rượu, sử dụng với liều 3 - 6g/ngày. Cũng có thể tán bột rồi ngâm rượu 40° với tỷ lệ 1 phần bột 5 phần rượu và sử dụng 5 15ml/ngày.
Lạc tiên
Lạc tiên là cây thuốc thường được sử dụng với tác dụng chữa hồi hộp, bồn chồn, mất ngủ.
Theo Đông y, lạc tiên có tên gọi long châu quả, có vị ngọt, chua tính bình, có các tác dụng thanh nhiệt giải độc, thanh phế chỉ khái, được dùng trong các trường hợp phế nhiệt gây ho, tiểu tiện đục, ung nhọt, viêm giác mạc do tổn thương từ bên ngoài, viêm hạch bạch huyết.
Cây lạc tiên có thể dùng một mình với liều 6 - 16g/ngày hoặc kết hợp với một số loại dược liệu khác như tâm sen, lá vông để tăng thêm tác dụng
Lạc tiên là cây thuốc thường được sử dụng trị mất ngủ.
Hạt muồng
Hạt muồng được Đông y sử dụng với tên gọi thảo quyết minh, đây là loại thảo dược có vị mặn, tính bình, quy kinh can, thần. Hạt muồng có tác dụng thanh can, ích thận, trừ phong, làm sáng mắt, nhuận tràng, thông tiện.
Để làm thuốc an thần và tránh tác dụng nhuận tràng, hạt muồng được sao hơn đen dùng pha uống thay nước chè. Đây là thảo dược có tác dụng an thần với cơ chế thanh Can nhiệt, trừ Can phong nên rất thích hợp với những người mất ngủ do căng thẳng, lo âu.
Bên cạnh những loại thảo dược kể trên, tùy từng vùng miền nước ta còn có nhiều loại cây cỏ có tác dụng an thần tương tự.
Mất ngủ là tình trạng do nhiều nguyên nhân gây ra, mỗi nguyên nhân lại có nguyên nhân và cách điều trị riêng, vì vậy nếu dùng một loại thảo mộc một thời gian mà tình trạng mất ngủ không được cải thiện hoặc trở nên trầm trọng hơn, rất có thể chúng ta đang dùng thảo mộc đó không đúng với chỉ định của chúng.
Lúc này cần ngừng ngay việc sử dụng thuốc và tìm đến các thầy thuốc, chuyên gia để có được lời khuyên đúng nhất.
Theo suckhoedoisong.vn