Chưa thể thống nhất về Hiệp ước đại dịch toàn cầu
Cập nhật lúc 08:55, Thứ sáu, 31/05/2024 (GMT+7)
Các nhà lãnh đạo về y tế các nước cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước vẫn cần phải đàm phán sâu rộng hơn nữa để thống nhất các biện pháp về ngăn chặn, ứng phó với các đại dịch trong tương lai
|
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị Y tế thế giới lần thứ 77 tại LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 27/5 - Ảnh: Reuters |
Sau 2 năm đàm phán, các nước vẫn chưa thống nhất được văn bản của hiệp định quốc tế về đại dịch trước hạn chót là ngày 24/5. Hiệp định bao gồm các biện pháp ngăn chặn, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trong tương lai.
Tuy nhiên, đến ngày 29/5, tại Hội nghị Y tế thế giới ở Geneva (Thụy Sĩ), các đại biểu cho biết cần phải đàm phán sâu rộng hơn nữa.
Cựu cố vấn khoa học của chính phủ Anh, Ngài Patrick Vallance, đã cảnh báo về mối đe dọa của đại dịch là “không thể tránh khỏi”.
Một số quốc gia, trong đó có nhiều nước châu Phi, kêu gọi nỗ lực kết thúc đàm phán hiệp ước trước cuối năm 2024, để không bị mất đà. Trong khi đó, Mỹ, EU và các nước Caribe như Jamaica, kêu gọi cần ít nhất 1 năm nữa để giải quyết thỏa đáng các vấn đề đang được đặt ra trong suốt thời gian qua.
Các nước thành viên đã đạt được thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực nhưng vẫn còn một số bất đồng nghiêm trọng. Trong đó có vấn đề tài chính, quyền sở hữu trí tuệ, các biện pháp trừng phạt, khả năng tiếp cận thuốc và phương pháp điều trị.
Trong một tuyên bố, WHO cho biết công việc sẽ tiếp tục cho đến khi kết thúc cuộc họp vào ngày 1/6 để thống nhất thời gian, hình thức và quy trình để ký kết thỏa thuận.
Cựu thành viên của Ban Độc lập về chuẩn bị và ứng phó đại dịch Michel Kazatchkine cho biết: “Tin tốt là tất cả các quốc gia đều muốn tiếp tục. Nhưng chúng ta không thể chờ đợi hiệp định được thống nhất để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị ứng phó ở cấp quốc gia và khu vực. Hy vọng những sửa đổi quan trọng sẽ được thông qua vào cuối tuần này”.
Dự thảo Hiệp ước đại dịch toàn cầu hướng đến chia sẻ dữ liệu về các chủng vi khuẩn, vi rút hoặc tác nhân có khả năng gây đại dịch. Đồng thời bảo đảm tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ việc nghiên cứu vắc xin, thuốc điều trị và phương pháp xét nghiệm một cách công bằng. Hiệp ước cũng hướng đến cho phép các nước phản ứng nhanh hơn, tốt hơn và hợp tác thuận lợi để ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.
|
Theo phụ nữ TPHCM