|
|
Gạo lứt đen tốt cho sức khỏe nếu ăn đúng cách. (Ảnh minh họa). |
Tiểu Chương, nhân viên một công ty IT Trung Quốc vốn bị bệnh tóc bạc sớm, dù tuổi đời còn trẻ. Gần đây, anh được mách rằng ăn thực phẩm màu đen rất tốt cho tóc, anh mua gạo lứt về ăn thay cơm. Không ngờ, sau khi ăn một thời gian, anh thường xuyên cảm thấy bụng chướng, khó chịu. Một lần, anh bị đau bụng và mồ hôi nhễ nhại, đồng nghiệp bèn đưa anh đến bệnh viện. Sau khi nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện anh viêm dạ dày cấp tính. Anh mô tả với bác sĩ thói quen ăn uống và được bác sĩ nói, đó là do anh ăn quá nhiều gạo lứt.
Vì sao gạo lứt gây viêm dạ dày cấp tính?
Gạo lứt là một trong những loại hạt thô giàu chất dinh dưỡng. Trong khoảng 200 gam (g) gạo lứt đã nấu chín có 248 calo, 52g carbohydrate, 3 gram chất xơ, chưa kể magiê, kẽm, sắt, đồng, photpho, selen, mangan... Ước tính, cứ 100g gạo đen chứa 10,73g protein, cao hơn 37% so với gạo trắng thông thường. Protein là chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với cơ thể con người, là nguyên liệu cơ bản cho tế bào và mô, có nhiều chức năng sinh lý quan trọng.
Gạo lứt cũng rất giàu selen, kẽm, sắt và đồng, đều là những nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể con người, chẳng hạn như selen là chất chống oxy hóa mạnh, có thể ngăn chặn quá trình oxy hóa các axit béo không no và ức chế các gốc tự do gây hại cho cơ thể. Các vi chất có lợi giúp sản xuất peroxide, bảo vệ các tế bào của con người khỏi bị hư hại, trong khi kẽm, đồng và sắt có tác dụng bảo vệ mạch máu. Ngoài ra, lớp biểu bì bên ngoài của gạo đen rất giàu sắc tố anthocyanin, đây là chất có tác dụng chống lão hóa mạnh.
Gạo lứt giàu nhiều loại vitamin, đặc biệt là vitamin B, có thể nuôi dưỡng cơ tim. Y học hiện đại phát hiện ra rằng gạo lứt có tác dụng bổ tỳ vị, dưỡng âm, bổ thận, thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện thị lực.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hợp để ăn gạo lứt, đặc biệt nếu tiêu thụ một lượng lớn gạo mỗi ngày như trường hợp kể trên sẽ rất dễ gây tổn thương dạ dày.
Kết cấu của gạo lứt tương đối cứng, không dễ tiêu. Ngoài ra, gạo này còn chứa một lượng lớn chất xơ dễ kích thích niêm mạc dạ dày, nếu ăn quá nhiều sẽ dễ tăng gánh nặng cho dạ dày. Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh về tiêu hóa, ăn nhiều gạo lứt có thể làm bệnh nặng thêm, gây ra các triệu chứng như đầy bụng, đau bụng, khó tiêu... Đối với những người chức năng tiêu hóa yếu, ăn quá nhiều gạo lứt có thể gây trào ngược axit, đầy bụng… và mắc các bệnh về hệ tiêu hóa như đại tiện khó, đau dạ dày, đau ruột.
Ngoài những người bị dạ dày, các bác sĩ còn khuyến cáo bốn trường hợp sau không nên ăn gạo lứt, đó là:
Người dùng tetracyclines
Gạo lưt có một số dược tính nhất định. Bản thân hạt gạo chứa các ion kim loại như sắt, magiê, đồng, kẽm... Thuốc tetracyclin có chứa các chất dễ kết hợp với các ion kim loại tạo ra các chất không tan trong nước, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ thuốc của cơ thể mà còn làm cho thuốc bị giảm tác dụng rất nhiều, đồng thời sẽ làm tăng áp lực và gánh nặng cho các cơ quan trong cơ thể.
Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt
Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt không thích hợp ăn gạo lứt vì ăn trong giai đoạn này có thể làm tăng lượng máu kinh, gây cho chị em tình trạng thiếu máu, thiếu sắt và các triệu chứng khác, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làm nặng thêm các triệu chứng khó chịu trong thời kỳ "rụng dâu".
Bệnh nhân thoái hóa chức năng gan, thận
Hàm lượng đồng trong gạo lứt rất cao, do đó, đối với bệnh nhân thoái hóa gan, thận, ăn nhiều gạo này không có lợi cho quá trình phục hồi bệnh.
Ăn gạo lứt thế nào tốt cho sức khỏe?
Gạo lứt đen là nguồn dinh dưỡng toàn diện nhưng kết cấu tương đối cứng, nếu nấu không kỹ sẽ khó tiêu hóa, có thể dẫn đến triệu chứng khó tiêu. Do đó, bạn cần nghiên cứu cách nấu cho chính xác. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn, tốt nhất nên trộn gạo đen với nhiều loại khác như gạo tẻ, đậu đen, vừng đen, hạt óc chó... nấu thành món cháo, sau đó cho thêm đường nâu vừa ăn, có tác dụng bổ não, làm đẹp da, dưỡng huyết, dùng được cho người bệnh thiếu máu để cải thiện các triệu chứng.
Nấu gạo lứt và hạt sen thành cháo, sau khi nấu cho thêm đường phèn vừa ăn, có tác dụng bổ thận tráng dương, dưỡng âm, dưỡng tâm, dùng được cho người già, người suy nhược cơ thể.
Nấu cháo gạo lứt với gạo tẻ và táo tàu, sau khi nấu chín thêm đường phèn vừa ăn sẽ có tác dụng bổ tỳ vị, dưỡng âm, nhuận phổi.
THÙY LINH (DỊCH TỪ ABOLUOWANG)