Xơ vữa động mạch ngoại biên do đâu?
Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng hẹp của các động mạch ngoại biên của chân, tay, một số nội tạng hay của đầu mà thường gặp nhất là hẹp các động mạch của cẳng chân. Bệnh không bao gồm các động mạch chi phối cho tim hay não (hai trường hợp này được gọi là bệnh động mạch vành và bệnh mạch máu não).
Trên thực tế có nhiều nguyên nhân gây ra biến đổi này, trong đó xơ vữa là căn nguyên thường gặp nhất. Lý do gây ra bệnh lý động mạch là xơ vữa nên chủ yếu thể hiện như:
- Tình trạng tắc nghẽn mạch do xơ vữa - huyết khối.
- Tình trạng phình dãn mạch. Trong đó loại chít hẹp tắc nghẽn do xơ vữa là chiếm đa số.
Theo ghi nhận yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch ngoại biên là do tình trạng tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu... Ngoài ra những người hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này.
Biểu hiện xơ vữa động mạch ngoại biên
Cũng như các bệnh lý về động mạch, nhiều trường hợp không triệu chứng, hoặc có các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, các biểu hiện thường thấy là tình trạng người bệnh thấy đau cơ hay chuột rút (vọp bẻ) ở các cẳng chân hay cánh tay xảy ra sau hoạt động, ví dụ sau đi lại, nhưng sẽ giảm hoặc khỏi sau khi nghỉ mấy phút.
Các vị trí đau còn tùy thuộc vào vị trí của động mạch bị tắc hay hẹp. Hay gặp nhất là ở bắp chân vì độ nặng của đau khập khiễng rất thay đổi. Biểu hiện đặc trưng là đau kiểu chuột rút các cơ ở háng, đùi hay bắp chân sau các vận động nhất là leo bậc thang (đau khập khiễng).
Người bệnh có thể có các biểu hiện tê bì hay yếu cẳng chân, lạnh phía dưới cẳng chân hay bàn chân, đặc biệt khi so sánh với bên kia. Nhức các ngón chân, bàn chân hay cẳng chân kéo dài thậm chí thấy cẳng chân đổi màu. Có thể có các điểm hoại tử đen, hoại tử khô ở đầu ngọn chi, thiểu dưỡng móng.
Điều đáng lưu ý, nếu mắc xơ vữa động mạch ngoại biên không được can thiệp, điều trị sẽ có biến chứng như:
Thiếu máu tại chân, tay có thể xuất hiện các tổn thương hay nhiễm trùng bàn chân hay cẳng chân. Nhiễm trùng có thể đưa đến hoại tử, đôi khi phải đoạn chi. Tình trạng đột quỵ cũng có thể xuất hiện và cơn đau tim do mỡ lắng đọng tại các động mạch nuôi tim và não.
Cần phải làm gì?
Khi nghi ngờ xơ vữa động mạch ngoại biên hoặc thấy tình trạng chuột rút ở chân... người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Sau khi thăm khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán xơ vữa động mạch ngoại biên như: Siêu âm Doppler mạch máu, X-Quang mạch máu (DSA), MRI, CT mạch máu là những cận lâm sàng chủ đạo. Ngoài ra xét nghiệm máu giúp đánh giá tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường.
Việc điều trị xơ vữa động mạch ngoại biên còn tùy thuộc vào tuổi, nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn bệnh. Nguyên tắc là điều trị với mục đích cải thiện triệu chứng và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm của bệnh lý trên hệ động mạch.
Nếu người bệnh nghiện thuốc lá thì việc cai thuốc là cần thiết và trong mỗi lần tái khám, điều trị, xây dựng kế hoạch bỏ thuốc phù hợp, tránh tiếp xúc các môi trường sử dụng thuốc lá thường xuyên.
Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn, hỗ trợ điều chỉnh rối loạn lipid máu và kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp. Cùng với đó là kết hợp luyện tập phục hồi chức năng, tập vận động dưới sự giám sát của nhân viên y tế khoảng 3-4 lần/ tuần, mỗi lần kéo dài 30-45 phút tùy mức độ bệnh và khả năng của bệnh nhân.
Nếu người bệnh có mắc các bệnh lý khác kèm theo như: bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành thì phải điều trị kiểm soát chặt chẽ.
Với những người bệnh đã có biến chứng hoặc thiếu máu chi mà không cải thiện được với điều trị nội khoa thì các bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp can thiệp mạch máu qua da hay phẫu thuật bắc cầu nối động mạch.
Theo suckhoedoisong.vn