Ở nước ta, ung thư vú chiếm tới 25,8% ca bệnh ung thư ở nữ giới với hơn 21 ngàn ca mắc mới và hơn 9 ngàn ca tử vong mỗi năm.

Theo PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, có nhiều phương pháp điều trị ung thư nhưng việc phát hiện sớm vẫn là biện pháp quan trọng giúp 1/3 bệnh nhân ung thư có cơ hội được điều trị sớm, hiệu quả cao hơn.

Với bệnh nhân ung thư vú, việc sàng lọc phát hiện sớm có vai trò quyết định trong điều trị thành công và kéo dài thời gian sống. Nếu như tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn rất sớm đạt 98% thì ở giai đoạn cuối, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10%.

Với mục tiêu phát hiện sớm, điều trị khỏi bệnh ung thư vú, hiện nay có nhiều kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến. Người bệnh được sàng lọc bằng phương pháp cơ bản qua thăm khám lâm sàng, siêu âm vú, chụp nhũ ảnh và kết hợp xét nghiệm tế bào học, sinh thiết kim nhỏ. Trong đó, chụp nhũ ảnh là một tiêu chuẩn vàng trong tầm soát ung thư vú.

1. Chụp nhũ ảnh là gì?

Chụp nhũ ảnh hay còn gọi là chụp X-quang vú là một cuộc kiểm tra sử dụng tia X liều thấp, hữu ích trong việc tầm soát và chẩn đoán ung thư vú. Chụp nhũ ảnh có thể phát hiện ra bất thường trong mô vú, đặc biệt là ung thư vú, dù là nhỏ.

Chụp nhũ ảnh đã được sử dụng trong khoảng 30 năm và trong 15 năm gần đây, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã cải thiện đáng kể kết quả phát hiện các bệnh lý về tuyến vú và ung thư vú.

Cùng với khám sức khỏe định kỳ, chụp nhũ ảnh là bước quan trọng trong chẩn đoán sớm ung thư vú. Đây được xem là phương pháp tầm soát ung thư vú nhanh chóng, hiệu quả, không xâm lấn và ít tốn kém.

Chụp nhũ ảnh - 'tiêu chuẩn vàng' trong tầm soát sớm ung thư vú - Ảnh 2.

Chụp X-quang tuyến vú tầm soát có thể phát hiện sớm ung thư vú.

2. Khi nào nên chụp nhũ ảnh chẩn đoán ung thư vú?

Theo BSCKII Mai Văn Bảo, chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh, chụp nhũ ảnh được sử dụng với 2 mục đích là để tầm soát và chẩn đoán các bệnh lý về tuyến vú:

  • Chụp nhũ ảnh tầm soát: Chụp nhũ ảnh phát hiện những thay đổi ở vú ở những phụ nữ không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh ung thư vú. Phương pháp này có thể phát hiện ra khối u mà không thể sờ thấy được.
  • Chụp nhũ ảnh chẩn đoán: Chụp nhũ ảnh với mục đích chẩn đoán khi có những thay đổi bất thường của vú, chẳng hạn như một khối u, đau vú, da vú dày hoặc tiết dịch núm vú, hoặc thay đổi kích thước hoặc hình dạng vú.

Những dấu hiệu này có thể do tình trạng bệnh lý tuyến vú lành tính, không phải ung thư gây ra. Chụp nhũ ảnh kết hợp với các xét nghiệm khác có thể giúp bác sĩ xác định bạn có bị ung thư vú hay không.

3. Độ tuổi nào thích hợp để chụp nhũ ảnh?

Theo Viện Ung thư Hoa Kỳ, độ tuổi phù hợp để tầm soát ung thư vú được chia thành nhiều giai đoạn với các mức độ cần thiết khác nhau.

  • Từ 25-50 tuổi: nên khám lâm sàng mỗi năm một lần. Khám vú bằng cách sờ nắn bên ngoài được thực hiện bởi một bác sĩ đa khoa, một bác sĩ phụ khoa hoặc một nữ hộ sinh, việc kiểm tra nhanh chóng và không đau này giúp bạn có thể phát hiện bất kỳ điều bất thường nào.
  • Từ 50- 74 tuổi: Tầm soát ung thư vú có tổ chức hiệu quả nhất từ 50 -74 tuổi. Nó nên được thực hiện 2 năm một lần và bao gồm chụp X-quang tuyến vú.
  • Từ 75 tuổi: Vấn đề tầm soát nên được thảo luận với bác sĩ của bạn.

Ở bất kỳ độ tuổi nào, nếu bạn có nguy cơ cao hoặc rất cao bị ung thư vú (tiền sử bệnh cá nhân hoặc gia đình, khuynh hướng di truyền,...), bác sĩ sẽ đề xuất kỹ thuật tầm soát phù hợp nhất.

Phụ nữ trên 30 tuổi nên chụp nhũ ảnh để chẩn đoán nếu có các triệu chứng, chẳng hạn như sờ thấy khối u, da vú dày lên hoặc lõm vào, tiết dịch hoặc thụt vào núm vú, vết loét ăn mòn ở núm vú hoặc đau vú.

‎‎Những phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú hoặc đã mắc ung thư vú nên được kiểm tra định kỳ bằng phương pháp chụp nhũ ảnh.

Tuy nhiên, chụp nhũ ảnh thường không được thực hiện ở phụ nữ trẻ vì mô tuyến vú của họ quá dày và tia X đi qua khó khăn. Do đó, kết quả chụp nhũ ảnh cung cấp ít thông tin, không giống như siêu âm là một xét nghiệm phù hợp hơn để phân tích tuyến vú ở phụ nữ trẻ.

Chụp nhũ ảnh - 'tiêu chuẩn vàng' trong tầm soát sớm ung thư vú - Ảnh 4.

Các bác sĩ sử dụng hình ảnh chụp X-quang tuyến vú để tìm các dấu hiệu ban đầu của ung thư vú.

4. Chụp nhũ ảnh có những rủi ro gì?

Khi được bác sĩ chỉ định chụp nhũ ảnh, bạn có thể băn khoăn về sự tiếp xúc với phóng xạ liệu có gây nguy hiểm hay không. Các chuyên gia khẳng định, chụp nhũ ảnh ngày nay là an toàn, vì mỗi lần chụp chỉ bao gồm một lượng bức xạ rất nhỏ, thậm chí còn ít hơn chụp X-quang phổi.

Rủi ro liên quan đến tiếp xúc với bức xạ có thể liên quan đến số lần kiểm tra hoặc điều trị với tia X tích lũy trong một thời gian dài. Vì vậy, nếu gần đây bạn có thực hiện các chụp chiếu nào hoặc điều trị tia xạ thì nên báo cáo với bác sĩ ngay khi có chỉ định chụp nhũ ảnh.

Nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, bạn cũng nên thông báo cho bác sĩ để tránh những nguy cơ rủi ro gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Với phụ nữ lớn tuổi và mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác, chẳng hạn như bệnh tim hoặc đột quỵ, nên cân nhắc những lợi ích và nguy cơ khi thực hiện phương pháp này.

Khi chụp nhũ ảnh, bạn có thể cảm thấy khó chịu khi vú bị ép nhưng điều này không ảnh hưởng tới các mô vú của bạn. Nếu bạn đã phẫu thuật cấy ngực trước đây, những túi cấy ghép này có thể cản trở hiển thị hình ảnh một số mô vú.

Còn có thể gặp một số rủi ro khác tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của bạn. Bạn hãy chủ động thảo luận tất cả những mối quan tâm với bác sĩ của bạn trước khi thực hiện phương pháp này để đưa ra quyết định phù hợp nhất.

Theo suckhoedoisong.vn