BS Đặng Văn Ngữ (bìa phải) giảng bài cho sinh viên ĐH Y Dược, 1952 - ẢNH: TRUNG TÂM DI SẢN CÁC NHÀ KHOA HỌC VIỆT NAM CUNG CẤP
Phòng thí nghiệm ở… chùa
PGS-BS Nguyễn Thị Ngọc Toản, nguyên Phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, vẫn nhớ những ngày đầu hình thành ý tưởng làm penicillin của GS-BS Đặng Văn Ngữ, nguyên Chủ nhiệm bộ môn ký sinh trùng Trường ĐH Y Dược Hà Nội. “Hằng ngày, trên đường đi qua những ruộng ngô mới bẻ còn thân cây trơ lại, anh Ngữ nói thân cây ngô sao để lãng phí thế này? Tại sao ta không nghiên cứu dùng nước thân cây ngô làm môi trường nuôi cấy penicillin để sản xuất nước lọc penicillin thay thế bột tinh?”, bà Toản nhớ lại.
GS Tôn Thất Tùng (phải) hướng dẫn bác sĩ người Pháp phẫu thuật gan tại Bệnh viện Việt Đức, 1974
Tết năm 1950, ngôi chùa ở Yên Thành (Nghệ An) được sửa sang để làm phòng thí nghiệm nghiên cứu kháng sinh. Với những nguyên vật liệu, phương tiện tầm thường, BS Đặng Văn Ngữ đã sản xuất được 60.000 đơn vị penicillin trong tháng 5.1950. Tại trưng bày Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam, công chúng được thấy xem việc nuôi cấy penicillin bằng nước thân cây ngô với... 1 chiếc xoong, 1 lọ đựng ngô cùng 2 ống nghiệm.
Câu chuyện về GS Tôn Thất Tùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn ngoại, Trường ĐH Y Dược Hà Nội, cũng thật thú vị. Ông đã dùng một cái nạo xương để nghiên cứu và vẽ sơ đồ các mạch máu trong gan. Thầy giáo người Pháp của ông muốn hướng công trình này về nhân chủng học, nhưng ông quan niệm đây là một công trình thuộc về giải phẫu loài người nói chung. Vì vậy, ông đã hướng công trình vào việc cắt gan. Báo cáo khoa học về cắt gan của ông đã bị công kích tới 2 lần vào năm 1939 và 1964. Nhiều nhà khoa học quốc tế cho rằng đó là một sự can thiệp thô bạo vào gan. Tuy nhiên, năm 1974, tại Paris (Pháp), chuyên gia về gan - GS Via tuyên bố: “Phương pháp cắt gan của Việt Nam từ nay đã trở thành một phương pháp kinh điển thứ 2 và cần áp dụng vào việc mổ các gan vỡ do chấn thương và các ca khó của gan”.
Thảo luận về phản hạt sigma âm mới tìm được, 1960 (GS Nguyễn Đình Tứ ngồi bìa phải)
Những câu chuyện đời
Luôn luôn gian khó khi nghiên cứu là âm hưởng chung của trưng bày về công việc của các nhà khoa học, nhưng cũng luôn có sự thay đổi đời sống hậu nghiên cứu. Chẳng hạn, sau nghiên cứu của GS Thái Văn Trừng, nguyên Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM, về rừng, rừng ngập mặn Cà Mau cũng như nhiều khu rừng bị chiến tranh hóa học hủy diệt đã phục hồi. Tinh chất từ nhiều cây thuốc dân gian đã được GS Đỗ Tất Lợi, nguyên Chủ nhiệm bộ môn dược liệu Trường ĐH Dược Hà Nội, dùng để trị các bệnh thông thường như nhược cơ, vết thương lở loét; “ký ninh đen” chữa sốt rét, hay nerioline từ cây trúc đào để làm thuốc chữa bệnh tim cũng được sản xuất. Sau công trình về đập trụ đỡ của GS Trương Đình Dụ, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi, chi phí xây dựng đập ngăn sông ngăn mặn giảm 40%, không cần thay đổi dòng chảy, ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống người dân bản địa.
Dược sĩ Đỗ Tất Lợi nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Dược Hà Nội, 1962
Cũng có những câu chuyện rất đời thường trong trưng bày. Đó là chuyện các nhà khoa học đã tự mang mình ra cho muỗi đốt để bắt muỗi, hay có kỹ sư gánh nước suốt đêm cho gia đình sử dụng trước khi vào đợt đi thực địa mới, có người mải cuốc đất để nghiên cứu mà suýt cuốc phải bom... PGS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam, nhận định: “Trưng bày không chỉ nói về các giá trị của công trình, mà cả những câu chuyện làm khoa học đã dẫn đến giải thưởng cao quý đó, cả những suy tư rất đời thường mà họ đã tâm sự một cách chân thành nhất”.
Phòng trưng bày Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam khai trương ngày 29.8 tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (H.Cao Phong, Hòa Bình). Trưng bày do Trung tâm di sản Các nhà khoa học Việt Nam thực hiện với sự bảo trợ của Bộ KH-CN và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Có 14 công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh được giới thiệu ở đây. Về y dược có 5 công trình: Điều chế penicillin của GS Đặng Văn Ngữ; Sáng tạo trong cắt gan của GS Tôn Thất Tùng; Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi; Mô hình bệnh tật, tử vong của người Việt Nam qua sinh thiết và tử thiết của GS Vũ Công Hòe; cụm công trình nghiên cứu nội khoa của GS Đặng Văn Chung. Về toán, lý có 3 công trình: công trình lĩnh vực tối ưu hóa của GS Hoàng Tụy; công trình Nghiên cứu tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao và phát hiện phản hạt hyperon sigma âm của GS Nguyễn Đình Tứ; công trình Dao động phi tuyến của các hệ động lực của GS Nguyễn Văn Đạo. Nghiên cứu thiên nhiên, địa chất có 5 công trình: Điều tra cơ bản động vật học ở Việt Nam của GS Đào Văn Tiến; Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt Nam của GS Thái Văn Trừng; Điều tra phân loại lập bản đồ đất Việt Nam của GS Lê Duy Thước; Bản đồ địa chất và bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 của các kỹ sư Trần Đức Lương, Nguyễn Xuân Bao, Trần Phú Thành, TS Lê Văn Trảo; Cụm công trình ngăn sông đập trụ đỡ và đập sà lan của GS-TS Trương Đình Dụ. Về nghệ thuật, có 1 công trình nghiên cứu chèo của đạo diễn Trần Bảng. |
Theo thanhnien