Cô Avantii Deshpaande, chuyên gia dinh dưỡng và khoa học thực phẩm hàng đầu của Ấn Độ, gợi ý 5 chất dinh dưỡng quan trọng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường:
1. Vitamin D
Nghiên cứu của các nhà khoa học từ Trung tâm Y tế Tufts ở Massachusetts (Mỹ), cho thấy bổ sung Vitamin D có thể giúp người bị "tiền tiểu đường" giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Nhiều nghiên cứu đã nhận thấy thiếu hụt vitamin D có liên quan đến việc giảm giải phóng insulin, kháng insulin và bệnh tiểu đường, đồng thời bổ sung vitamin D sẽ phục hồi quá trình tiết insulin. Bởi vitamin D cần cho quá trình tổng hợp canxi và quá trình tiết insulin phụ thuộc vào canxi.
Vitamin D có trong lòng đỏ trứng, cá béo, nội tạng và một số loại nấm. Ngoài ra, có thể hấp thụ vitamin D bằng cách phơi nắng vào sáng sớm.
Tốt nhất nên kiểm tra mức vitamin D 6 tháng một lần và bổ sung nếu cần để duy trì mức tối ưu nhằm kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn, theo Hindustan Times.
2. Chất xơ
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, chất xơ có vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ kiểm soát cân nặng mà còn có tác động có lợi đến lượng đường trong máu.
Chất xơ hòa tan có trong bột yến mạch, các loại hạt và các loai đậu giúp giảm mức cholesterol và việc kiểm soát mức đường huyết.
Cố gắng tiêu thụ 5 phần trái cây và rau quả, với nhiều ngũ cốc nguyên cám mỗi ngày.
3. Axit béo Omega 3
Bệnh tiểu đường là do viêm. Axit béo omega-3 có khả năng chống viêm và giảm căng thẳng oxy hóa. Từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Axit béo omega-3 có trong cá béo như cá mòi, cá ngừ, cá hồi, cá ngừ, cá trích; các loại hạt như hạt lanh, hạt bí, hạt dưa và cả hạnh nhân, quả óc chó.
Hãy chú ý đưa cá vào chế độ ăn ít nhất 2 lần một tuần và một ít hạt trong chế độ ăn hằng ngày, theo Hindustan Times.
4. Selen
Selen là một chất dinh dưỡng chống oxy hóa và bảo vệ đảo tụy khỏi quá trình oxy hóa và cải thiện chức năng của nó. Chức năng quan trọng của đảo tụy là kiểm soát lượng đường trong máu.
Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân tiểu đường sử dụng 200 microgam selen khi bụng đói trong 6 tháng cùng với chế độ ăn uống lành mạnh, đã giảm lượng đường trong máu, giảm chỉ số đường huyết trung bình HbA1c, giảm cholesterol xấu, đồng thời tăng lượng cholesterol tốt.
Các loại đậu, các loại hạt, ngũ cốc và lúa mì nguyên hạt là một số nguồn cung cấp selen trong thực phẩm.
5. Crom
Crom là một khoáng chất thiết yếu giúp tăng cường hoạt động của insulin. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người mắc bệnh tiểu đường loại 2 thường thiếu crom. Chất bổ sung crom tăng cường hoạt động của insulin và giảm một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt ở những người thừa cân.
Crom có trong thịt, sản phẩm ngũ cốc, trái cây, rau, các loại hạt, gia vị, men bia và rượu vang. Hãy chú ý đưa những thực phẩm này vào chế độ ăn uống để phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, để quản lý tốt bệnh tiểu đường, cần kết hợp với lối sống tích cực, vận động nhiều, theo Hindustan Times.
Theo Thanh niên