Chuyên gia chỉ ra thời điểm tốt nhất để uống nước gừng
Cập nhật lúc 08:11, Thứ năm, 04/01/2024 (GMT+7)
Nước gừng có nhiều lợi ích, đặc biệt là tốt cho hệ tiêu hóa. Nhưng uống lúc nào để tận dụng tối đa lợi ích của nó là điều không phải ai cũng biết.
Bà Pooja Palriwala, chuyên gia dinh dưỡng đang làm việc tại Mỹ, cho biết: Nước gừng, vốn nổi tiếng với đặc tính chống viêm, từ lâu đã được đánh giá cao nhờ lợi ích cho tiêu hóa, theo tờ Indian Express.
Chuyên gia Palriwala nói trong một bài đăng trên Instagram rằng: Các hợp chất trong gừng có thể làm giảm bớt sự khó chịu về tiêu hóa và làm dịu cơn buồn nôn, khiến nó trở thành một phương thuốc tự nhiên phổ biến.
Các chuyên gia nói về tác dụng của nước gừng
Tiến sĩ Manvi Lohia, chuyên gia dinh dưỡng, làm việc tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Ekaanta, Haridwar (Ấn Độ), cho biết gingerol, thành phần hoạt chất của gừng, có tác dụng như chất xúc tác cho các enzyme tiêu hóa, tăng cường quá trình phân hủy và hấp thu chất dinh dưỡng.
Hai chuyên gia Alpa Momaya, trưởng bộ phận dinh dưỡng, Trung tâm chăm sóc sức khỏe Healthify (Ấn Độ) và tiến sĩ Dilip Gude, bác sĩ tư vấn cấp cao, Bệnh viện Yashoda, Hyderabad (Ấn Độ), cũng đồng ý với tiến sĩ Lohia rằng nước gừng có rất nhiều lợi ích, đặc biệt là đối với hệ tiêu hóa. Nó có thể giúp giảm bớt các vấn đề về tiêu hóa và buồn nôn. Nó cũng có thể có tác dụng làm dịu dạ dày và giúp giảm đau bụng.
Tiến sĩ Gude còn cho biết thêm gừng cũng có thể cải thiện các triệu chứng co thắt của hội chứng ruột kích thích và loét dạ dày do axit.
Uống nước gừng khi nào là tốt nhất?
Tiến sĩ Lohia cho biết uống nước gừng vào buổi sáng khi bụng đói không chỉ là một xu hướng mà đã được áp dụng từ thời xưa cho đến hiện nay để cải thiện tiêu hóa.
Tiến sĩ Lohia trích dẫn một bài đánh giá trên tạp chí y khoa của Mỹ American Family Physician đã chứng minh công dụng của gừng trong việc giảm buồn nôn do hóa trị. Bà cho biết uống nước gừng vào buổi sáng khi bụng đói là tốt nhất. Nguyên nhân là do lúc này có thể khuếch đại tác dụng của gừng, giúp các hợp chất trong gừng phát huy tác dụng trực tiếp hơn trên niêm mạc ruột. Nó giống như đánh thức đường ruột vào buổi sáng, tạo thuận lợi cho quá trình tiêu hóa trong ngày, theo Indian Express.
Tiến sĩ Lohia cho biết khả năng chống oxy hóa của nước gừng khi bụng đói có thể đặc biệt mạnh mẽ vì nó tương tác trực tiếp với niêm mạc ruột, có khả năng cung cấp tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại sự tấn công dữ dội của chất độc và các tác nhân gây căng thẳng trong ngày.
Theo Thanh niên