Mất trí nhớ là tình trạng không thể nhớ các sự kiện đã qua, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đồ hoạ: Thiện Nhân
Mất trí nhớ là gì?
Theo chuyên gia Priyanka Kapoor, nhà trị liệu tâm lý, nhà tâm lý học, cố vấn hôn nhân và gia đình (Ấn Độ), mất trí nhớ là tình trạng suy giảm khả năng nhớ và ghi nhớ thông tin. Người mắc phải mất trí nhớ có thể gặp khó khăn trong việc nhớ lại những sự kiện, tên tuổi, thông tin mà họ đã học hoặc trải qua. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến các chức năng nhận thức khác như tư duy, hiểu biết và khả năng thực hiện các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày.
Mất trí nhớ có thể xảy ra tạm thời hoặc kéo dài, do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những yếu tố tạm thời như căng thẳng hoặc thiếu ngủ, đến những bệnh lý nghiêm trọng như bệnh alzheimer, đột quỵ hoặc chấn thương não.
Nguyên nhân gây mất trí nhớ
Lão hóa: Theo tuổi tác, khả năng ghi nhớ có thể giảm dần. Đây là một quá trình tự nhiên, nhưng vẫn có sự khác biệt đáng kể giữa các cá nhân. Những thay đổi trong cấu trúc và chức năng não bộ có thể ảnh hưởng đến trí nhớ.
Chấn thương đầu: Các chấn thương nghiêm trọng ở đầu như bị tai nạn hoặc té ngã mạnh, có thể gây tổn thương não bộ, dẫn đến mất trí nhớ.
Bệnh alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác: Bệnh alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của mất trí nhớ ở người cao tuổi. Nó gây ra sự suy giảm chức năng nhận thức và trí nhớ, ảnh hưởng đến khả năng làm việc và sinh hoạt hằng ngày.
Đột quỵ: Khi bị đột quỵ, lượng máu cung cấp cho não bị gián đoạn, dẫn đến tổn thương não và có thể gây mất trí nhớ.
Rối loạn tâm lý: Căng thẳng, lo âu, trầm cảm và các rối loạn tâm lý khác cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Những trạng thái này có thể gây khó khăn trong việc ghi nhớ hoặc thu hồi thông tin.
Thiếu ngủ: Ngủ không đủ hoặc không chất lượng có thể gây suy giảm trí nhớ, vì giấc ngủ là thời gian quan trọng để não bộ củng cố và lưu trữ thông tin.
Thiếu hụt dinh dưỡng: Thiếu vitamin B12 và các dưỡng chất thiết yếu khác có thể ảnh hưởng đến chức năng não, dẫn đến suy giảm trí nhớ.
Dùng thuốc hoặc chất gây nghiện: Một số loại thuốc (như thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm) và các chất gây nghiện (như rượu, ma túy) có thể làm suy giảm trí nhớ tạm thời hoặc lâu dài.
Bệnh lý nội tiết và chuyển hóa: Các bệnh như tiểu đường, bệnh tuyến giáp, và các vấn đề về hormone có thể gây ảnh hưởng đến trí nhớ và nhận thức.
Tổn thương não do bệnh lý thần kinh khác: Các bệnh như Parkinson, Huntington và các bệnh lý thần kinh khác cũng có thể gây ra mất trí nhớ.
Mất trí nhớ có thể xuất hiện một cách từ từ hoặc đột ngột, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Nếu mất trí nhớ xuất hiện một cách nghiêm trọng hoặc kéo dài, việc tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng để xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị thích hợp.
Theo laodong