1. Các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường

‏Theo TS. BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh đái tháo đường. Mục tiêu điều trị là giúp làm chậm tiến triển bệnh, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do đái tháo đường gây ra.‏

‏Tùy vào thể trạng cũng như khả năng đáp ứng với thuốc điều trị, bác sĩ chuyên khoa nội tiết sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho bệnh nhân. 

Các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường bao gồm:

  • Insulin có nhiều loại khác nhau, tác dụng chậm, tác dụng trung bình, tác dụng nhanh…‏
  • ‏Thuốc làm tăng độ nhạy cảm với insulin bao gồm metformin, thiazolidinedione…‏
  • ‏Thuốc gây tăng tiết insulin như sulfonylureas, meglitinides…‏
  • ‏Thuốc có tác dụng làm chậm hấp thu chất béo và glucose từ ruột như thuốc ức chế men Alpha-glucosidase (Acarbose)...

2. Tác dụng phụ của thuốc điều trị đái tháo đường

2.1. Gây hạ đường huyết

‏Các thuốc điều trị đái tháo đường thường có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, trường hợp người bệnh sử dụng thuốc không đúng cách có thể dẫn đến hậu quả hạ đường huyết thái quá - lượng đường trong máu giảm xuống quá mức bình thường. ‏

‏Khi bị hạ đường huyết do thuốc, người bệnh cần xử trí kịp thời để làm tăng đường huyết trở lại, tránh trường hợp dẫn đến mất ý thức. ‏

‏Để hạn chế nguy cơ hạ đường huyết khi sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường, người bệnh cần lưu ý:‏

  • Tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, không tự ý tăng liều, đổi thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nếu không may quên uống thuốc, không được tăng gấp đôi liều lượng.‏
  • ‏Không sử dụng 2 loại thuốc cùng một nhóm vì có cùng cơ chế tác dụng. Có thể phối thuốc tác dụng nhanh với thuốc tác dụng chậm.‏
  • ‏Kiểm tra lượng đường có trong máu trước khi uống thuốc để có những biện pháp phòng tránh kịp thời.‏
  • ‏Phân bổ bữa ăn hợp lý, không bỏ bữa, ăn kiêng thái quá hoặc tập luyện quá sức.
photo-1681275620224

‏Người bệnh đái tháo đường nên kiểm tra đường huyết thường xuyên.‏

2.2. Tác dụng phụ lên gan, thận

‏Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, người bệnh cần sử dụng thuốc trong thời gian dài để giúp ổn định đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng. ‏Thuốc điều trị đái tháo đường có thể gây hại lên gan, thận, trong đó gan có nhiệm vụ chuyển hóa và thận có nhiệm vụ thải trừ.‏

‏Để hạn chế ảnh hưởng của thuốc lên hai cơ quan này, người bệnh cần thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tái khám đúng hẹn để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh, từ đó có thể điều chỉnh thuốc sao cho phù hợp.‏

2.3. Dị ứng thuốc

‏Các phản ứng dị ứng thuốc nhẹ có thể gặp phải như nổi mẩn đỏ, mề đay, ngứa... Tình trạng dị ứng nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ, thậm chí tử vong.‏

‏Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu có tiền sử dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào. Trong quá trình sử dụng, nếu nghi ngờ bản thân bị dị ứng thuốc, việc đầu tiên cần làm là ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức và báo cho bác sĩ chuyên khoa để thay đổi đơn thuốc cho thích hợp.‏

photo-1681275625394

‏Thuốc trị đái tháo đường có thể gây ra một số tác dụng phụ với cơ thể.‏

2.4. Các vấn đề trên đường tiêu hóa

‏Thuốc điều trị đái tháo đường, như metformin có thể gây ra tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Người bệnh khi dùng thuốc có thể gặp phải tình trạng đầy bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa… ‏

‏Có thể giảm thấp liều lượng thuốc khi gặp tình trạng này, tuy nhiên người bệnh cần thông báo cho bác sĩ thay vì tự ý điều chỉnh đơn thuốc hay liều lượng thuốc.‏

3. Một số lưu ý giúp tăng cường hiệu quả điều trị đái tháo đường

‏Để hạn chế các tác dụng phụ do thuốc điều trị đái tháo đường gây ra, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau để điều trị bệnh hiệu quả hơn:‏

  • Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, xây dựng thói quen uống thuốc cùng một thời điểm mỗi ngày, tránh bỏ quên thuốc;‏
  • ‏Tham khảo ý kiến bác sĩ khi gặp phải bất kỳ biểu hiện bất thường nào để được tư vấn và điều trị kịp thời;‏
  • ‏Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tập luyện thể dục thể thao để kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.

Theo suckhoedoisong.vn