Nhiều người đã quen với việc uống trà vào sáng sớm. Nhưng bạn có biết bắt đầu ngày mới bằng tách trà có thể hại nhiều hơn lợi, theo tờ Times Now News (Ấn Độ).
Vì sao? Sau đây chuyên gia sẽ lý giải tại sao nó có thể gây ra tính axit, mất nước.
Chuyên gia Vidhi Chawla, nhà dinh dưỡng hàng đầu của Ấn Độ, giải thích: Mặc dù trà có thể là loại đồ uống thơm ngon và dễ chịu, nhưng nó có chứa caffein, một chất kích thích có thể ảnh hưởng đến cơ thể.
Cô Chawla nhấn mạnh một số tác động tiêu cực tiềm ẩn của việc uống trà vào sáng sớm khi bụng đói:
Tăng sản xuất axit, kích ứng dạ dày
Uống trà hoặc bất kỳ đồ uống chứa caffein nào khác vào buổi sáng khi bụng đói có thể dẫn đến tăng axit và khó chịu tiêu hóa. Nguyên nhân là do caffein trong trà có thể kích thích sản xuất axit dạ dày, có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến khó chịu, đầy bụng và buồn nôn.
Làm giảm sản xuất hóc môn cortisol
Ngoài ra, uống trà vào buổi sáng sớm có thể cản trở quá trình sản xuất cortisol tự nhiên của cơ thể. Theo chuyên gia Chawla, cortisol là một loại hoóc môn giúp điều chỉnh chu kỳ đánh thức giấc ngủ và cung cấp năng lượng trong suốt cả ngày.
Tiêu thụ caffein vào buổi sáng sớm có thể cản trở khả năng sản xuất cortisol của cơ thể, dẫn đến cảm giác mệt mỏi và uể oải trong cả ngày.
Mất nước
Trà là chất lợi tiểu nên có thể gây mất nước, đặc biệt là vào buổi sáng khi cơ thể đã bị mất nước do không có nước qua đêm.
Cản trở việc hấp thụ chất dinh dưỡng
Trà có chứa tanin, có thể liên kết với các khoáng chất như sắt và canxi, khiến cơ thể khó hấp thụ chúng.
Làm hư răng
Trà có chứa axit tự nhiên có thể ăn mòn men răng, đặc biệt khi uống nhiều hoặc trong một thời gian dài.
Theo chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng Pooja Makhija, tác giả sách bán chạy về dinh dưỡng của Ấn Độ, thời điểm tối ưu để uống trà là vào giữa buổi sáng sau khi ăn sáng, vì đây là lúc quá trình trao đổi chất bắt đầu hoạt động thông suốt, theo Times Now News.
Theo Thanh niên