leftcenterrightdel
Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư. Đồ họa: Hương Giang 

Trong điều trị ung thư, ngoài các kỹ thuật điều trị chuyên sâu thì chế độ dinh dưỡng chiếm một phần rất quan trọng.

Trong dịp sang Việt Nam, TS.Fahma Sunarja - chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng và quản lý cấp cao thuộc Dịch vụ y tế tương cận, Trung tâm Ung thư Parkway- Singapore - đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Lao Động về vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư.

Theo bà Fahma Sunarja, một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng về dinh dưỡng và các chất dành cho bệnh nhân ung thư là cân bằng về carbonhydrat, protein và cả rau xanh có chứa các vitamin, kháng chất.

"Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư là "cá thể hóa", tùy từng bệnh nhân điều trị các loại ung thư khác nhau thì sẽ có chế độ ăn khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là một chế độ ăn lành mạnh, đa dạng, cân bằng về các chất từ tinh bột, đạm, vitamin và khoáng chất và tránh những loại thực phẩm ảnh hưởng xấu đến từng loại bệnh ung thư"- TS.Fahma Sunarja nói.

Một số ý kiến cho rằng, người bệnh ung thư cần tuyệt đối không sử dụng đường. Nhưng thực tế cho thấy, đường không làm cho ung thư phát triển nhanh hơn.

Theo TS.Fahma Sunarja, tất cả tế bào, kể cả tế bào ung thư, đều phụ thuộc vào lượng đường trong máu (glucose) để tạo năng lượng. Tương tự như vậy, việc loại bỏ đường khỏi tế bào ung thư không làm chậm sự phát triển của chúng.

Bên cạnh đó, có nhiều bằng chứng cho thấy, tiêu thụ một lượng lớn đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư thực quản. Tiêu thụ nhiều đường cũng làm tăng cân và tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, từ đó dẫn đến nguy cơ ung thư.

Với chế độ ăn hữu cơ, nhiều người lầm tưởng cho rằng, thực phẩm hữu cơ tốt hơn và an toàn hơn so với thực phẩm thông thường. Song, TS. Fahma Sunarja cho hay, hiện không có bằng chứng khoa học nào cho thấy (hàm lượng dinh dưỡng, dư lượng thuốc trừ sâu) giữa thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thông thường có tác động khác biệt đến sức khỏe con người.

Khi sử dụng thực phẩm hữu cơ, nữ tiến sĩ khuyến cáo người dân cần đọc nhãn dán trên thực phẩm một cách cẩn thận.

“Chỉ vì một sản phẩm ghi là hữu cơ hoặc chứa các thành phần hữu cơ thì không hẳn nghĩa là sản phẩm đó sẽ lành mạnh hơn. Một số sản phẩm hữu cơ vẫn có nhiều đường, muối, chất béo hoặc calo” - TS. Fahma Sunarja nói.

TS. Fahma Sunarja chia sẻ thêm thông tin về công dụng của một số loại quả nhất định, ví dụ như nghiên cứu gần đây cho thấy, sản phẩm chiết xuất từ quả lựu phần nào đó giúp ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư vú, tuyến tiền liệt, đại tràng và phổi trong môi trường nuôi cấy.

Các sản phẩm này có thể làm giảm thiểu tổng hợp nội sinh estrogen trong thí nghiệm trên động vật. Những tác động của quả lựu đối với bệnh ung thư vú và cơ thể con người hiện vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng.

leftcenterrightdel
TS.Fahma Sunarja - Trung tâm Ung thư Parkway- Singapore - trả lời phỏng vấn PV Báo Lao Động. Ảnh: Thùy Linh 

Nghiên cứu cho thấy, bổ sung hỗn hợp trà xanh, lựu, bông cải xanh và chất curcumin giúp giảm tỉ lệ gia tăng kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) ở nam giới mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

TS. Fahma Sunarja cũng khẳng định, không có tác dụng phụ đáng kể nào khi nam giới uống 240 ml nước ép lựu hàng ngày trong hơn hai năm, nhưng bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường cần lưu ý đến hàm lượng đường trong nước ép.

Nhiều nghiên cứu quan sát thấy rằng, sản phẩm chiết xuất từ lựu/nước trái lựu có lợi hơn so với từng thành phần riêng lẻ hoặc tinh khiết từ lựu.

Lời khuyên dinh dưỡng lành mạnh cho bệnh nhân

Chuyên gia của Trung tâm Ung thư Parkway khuyến cáo, bệnh nhân không ăn quá 500 g thịt đỏ nấu chín mỗi tuần. Chỉ nên tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn hằng ngày ở mức 70 g.

Ngoài ra, người bệnh cần ăn nhiều chất xơ, trái cây và rau quả; cắt giảm thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và muối; và hạn chế uống rượu bia.

Đặc biệt, người bệnh ung thư cần tránh ăn thực phẩm sống (ví dụ sashimi, thịt bò tái...); không nêm nhiều gia vị sau khi nấu ăn (chẳng hạn như việc bỏ thêm hành tây hoặc rau mùi sống sau khi đã tắt bếp). Tránh ăn trứng chưa nấu chín. Không ăn động vật có vỏ (sò, nghêu…).

Tránh xa rau sống, đồ chua, trái cây nguyên vỏ, nước sốt salad khi đi ăn bên ngoài. Tránh ăn thực phẩm đã nấu nhiều giờ trước đó.

Bệnh nhân có thể cân nhắc mua thực phẩm chức năng đã được phê duyệt phân tích hoặc có dán nhãn con dấu USP hoặc NF. Thông tin trên nhãn dán cần có xác nhận rằng thực phẩm chức năng đã trải qua quá trình kiểm tra và đánh giá chất lượng.

Theo laodong