leftcenterrightdel
 

David Sinclair là Giáo sư tại Khoa Di truyền và đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sinh học về Lão hóa Paul F. Glenn tại Trường Y Harvard (Mỹ). Ông áp dụng một lịch trình hằng ngày tương đối nghiêm ngặt để giữ sức khỏe, bao gồm uống trà matcha xanh, thưởng thức sữa chua và thỉnh thoảng ăn một miếng chocolate đen 80%.

Nhưng vị giáo sư 54 tuổi chuyên nghiên cứu về sống thọ cũng không hoàn toàn cứng nhắc về mọi thứ.

Giáo sư Sinclair chia sẻ với GQ, ông không ăn sáng, không tập thể dục hằng ngày và thường không ngủ quá 6 giờ một đêm. Các chuyên gia thường khuyến nghị mọi người nên ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm và 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải mỗi tuần. 

Tuy nhiên, ông cho biết chế độ ăn đã giúp ông trẻ hơn về mặt sinh học 10 năm so với tuổi thật. Đây là hiện tượng lão hóa ngược bằng cách chống lại bệnh tật và sự suy giảm liên quan đến tuổi tác.

“Nhiều người nghĩ rằng khi ở độ tuổi hai mươi, bạn không bị lão hóa và bệnh tật ảnh hưởng. Nhưng đồng hồ biểu sinh bắt đầu tích tắc từ khi bạn chào đời và những gì chúng ta làm ở tuổi đôi mươi sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ”, Giáo sư Sinclair nói. 

Các chuyên gia về tuổi thọ đã vạch ra 12 dấu hiệu lão hóa, bao gồm thay đổi ngoại di truyền, lão hóa tế bào và viêm mạn tính. Các yếu tố về lối sống và biện pháp can thiệp nhắm vào một hoặc nhiều đặc điểm trên có thể làm chậm quá trình lão hóa.

Giáo sư Sinclair giải thích với Fortune: “Tuổi sinh học thể hiện tình trạng sức khỏe tốt hơn nhiều so với tuổi trên giấy khai sinh. Những ngọn nến sinh nhật không cho biết bạn đang sống khỏe như thế nào và chắc chắn không biết bạn còn lại bao nhiêu năm nữa”.

Ông tin rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ có thể quay ngược lại 20 năm trước: “Tôi không thấy lý do nào khiến điều đó không thể xảy ra. Đó chỉ là vấn đề khi nào thôi.”

Giáo sư Sinclair bắt đầu quá trình trẻ hóa vào đầu những năm 30 tuổi. Dưới đây là ba cách mà nhà nghiên cứu về tuổi thọ áp dụng

Dùng hoạt chất resveratrol

Giáo sư Sinclair tin tưởng vào resveratrol, một hóa chất thực vật (polyphenol) chống oxy hóa tự nhiên được tìm thấy trong quả mọng (dâu, nho), lạc và rượu vang đỏ. Ông dùng resveratrol dưới dạng thực phẩm bổ sung vào mỗi buổi sáng với một vài thìa sữa chua trong 15 năm qua. Ngoài ra, ông còn uống trà matcha xanh chứa hóa chất thực vật như catechin ECGC.

Nghiên cứu cho thấy đặc tính chống oxy hóa của polyphenol tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột, giảm nguy cơ tổn thương mô, cải thiện tâm trạng và tăng sức khỏe của tim. 

Tuy nhiên, nếu dùng chất bổ sung với liều lượng cao sẽ có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn và nôn. Theo Phòng khám Cleveland, bạn có nhiều khả năng được hưởng lợi từ nguồn thực phẩm toàn phần hơn là vi chất dinh dưỡng ở dạng bổ sung.

Bỏ bữa sáng

Giáo sư Sinclair bỏ bữa sáng và nhịn ăn gián đoạn. Ông ăn các bữa cách nhau từ 16 đến 18 giờ. 

“Về cơ bản, tôi ăn trưa rất muộn hoặc dùng bữa tối thịnh soạn”, vị chuyên gia chia sẻ. Tuy nhiên, ông khuyến cáo, bắt đầu chế độ ăn này khi còn trẻ có thể có nhiều rủi ro. 

Nghiên cứu ghi nhận, việc nhịn ăn gián đoạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và chứng mất trí nhớ - những nguyên nhân cơ bản của quá trình lão hóa. Nhưng nhịn ăn không dành cho tất cả mọi người và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, dẫn tới chứng rối loạn ăn uống. 

Các chuyên gia khuyên bạn nên bắt đầu từ những việc nhỏ, chế biến bữa ăn giàu dinh dưỡng và giữ đủ nước.

Tránh ăn đường

Giáo sư Sinclair từ chối sử dụng đường và thịt. Ông tập trung vào chế độ ăn dựa trên thực vật; bữa tối điển hình bao gồm cơm, hạnh nhân. “Tôi hiếm khi ăn bất cứ thứ gì khác ngoài thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và hạt. Tôi bỏ sữa và bỏ rượu trừ các dịp kỷ niệm”, vị chuyên gia tuổi thọ cho hay. Ông thừa nhận thỉnh thoảng ăn khoai tây chiên.

Ông cho biết, trong vòng vài tháng, chế độ ăn uống “tạo ra sự khác biệt lớn đối với các dấu hiệu sinh học trong máu”.

Chế độ ăn dựa trên thực vật có liên quan đến các lợi ích sức khỏe như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, chứng mất trí nhớ, béo phì, huyết áp cao, bệnh tim mạch. Tương tự, theo Harvard Health, tiêu thụ quá nhiều đường, đặc biệt là đường bổ sung trong thực phẩm chế biến sẵn, có liên quan đến bệnh tiểu đường, béo phì và các vấn đề về tim.

“Khi chuyển sang chế độ ăn kiêng mới, tôi đã lấy lại trí nhớ. Tôi từng khó nhớ số điện thoại và mã khóa, nhưng giờ việc đó thật đơn giản. Tôi đã quay trở lại với bộ não tuổi 20 của mình”, Giáo sư Sinclair thông tin.

Theo vietnamnet