* Cháu tôi có thói quen sưu tầm những gói gia vị trong mì ăn liền và dùng để chấm trái cây, để nêm nếm khi nấu món khác. Mẹ tôi lại luôn bỏ gói gia vị ra, chỉ dùng sợi mì vì bà có thói quen ăn lạt. Xin hỏi, trong gói gia vị có những thành phần gì, có an toàn cho sức khỏe hay không? Khi nấu một tô mì gói có nên dùng cả gói gia vị hay chỉ một nửa? Và liệu mì ăn liền có gây sạn thận hay không? 

Phương Dung (quận 10, TPHCM)

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trả lời:

Gói gia vị của mì ăn liền gồm các gói nhỏ: gói xúp bột (hoặc xúp sệt), gói dầu, gói rau sấy. Thành phần các gói gia vị này đều được nhà sản xuất công bố và ghi rõ trên bao bì sản phẩm. Trong đó, hàm lượng bột ngọt hay muối được tính toán đạt chuẩn, theo đúng quy định của luật an toàn thực phẩm.

Thông thường, trong gói gia vị của mì ăn liền là một hỗn hợp các loại gia vị như bột tôm, ớt, tỏi, đường, bột ngọt, muối, tiêu… là các thực phẩm được các bà nội trợ sử dụng thường xuyên khi nấu ăn nhằm tạo hương vị thơm ngon cho món ăn. Với nhà sản xuất có uy tín, thương hiệu thì không chỉ về thành phần nguyên liệu mà cả về quy trình sản xuất gói gia vị đều tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và về chất phụ gia để kiểm soát chất lượng gói gia vị.

Các phụ gia thực phẩm trong gói gia vị của mì ăn liền đều được quy định giới hạn về hàm lượng an toàn, trong tiêu chuẩn cho phép, được cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ và cấp phép. Việc chế biến được tính toán về tỷ lệ các loại nguyên liệu, thời gian, nhiệt độ… để đảm bảo hương vị hài hòa, đậm đà, phù hợp nhất với khẩu vị và an toàn cho sức khỏe của người dùng nếu sử dụng đúng liều lượng. Vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, được các cơ quan quản lý cấp phép và được sản xuất bởi các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín.

Một số người có cùng thói quen với mẹ của bạn đó là bỏ gói gia vị. Điều này không nên vì không chỉ làm giảm độ ngon mà còn làm mất hương vị đặc trưng của từng loại mì. Việc sử dụng toàn bộ hay một phần gói gia vị tùy thuộc vào khẩu vị mỗi người, có thể điều chỉnh sao cho vẫn cảm nhận được hương vị đặc trưng của từng loại mì mà vẫn thấy vừa miệng.

Mì ăn liền có gây sạn thận không? Một số thông tin cho rằng mì ăn liền có thể gây sạn thận do chứa nhiều a-xít oxalic là không chính xác. A-xít oxalic có hai loại: thứ nhất, a-xít oxalic nguồn tự nhiên có sẵn trong các loại thực phẩm như bột lúa mì, ngò tây, cà rốt, trà… Thành phần nguyên liệu chính để làm ra mì ăn liền là bột lúa mì, do đó sẽ có chứa sẵn a-xít oxalic tự nhiên với hàm lượng rất thấp và không gây hại sức khỏe người dùng. Thứ hai, a-xít oxalic nhân tạo (a-xít oxalic công nghiệp) được dùng để tẩy trắng. Nhà sản xuất mì ăn liền không bổ sung a-xít oxalic trong quá trình sản xuất.

A-xít oxalic có thể kết hợp với canxi tạo ra calci oxalat, có thể gây kết tủa lắng đọng tạo thành sỏi ở các cơ quan tiết niệu, gan, mật, tụy… Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế quy định không được sử dụng a-xít oxalic công nghiệp trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Trong trường hợp cần thiết, nếu sử dụng a-xít oxalic với mục đích là chất hỗ trợ chế biến phải đảm bảo sử dụng ở mức tối thiểu chế phẩm a-xít oxalic đã được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Đồng thời phải công bố việc sử dụng với cơ quan có thẩm quyền. 

Theo phụ nữ TPHCM