Theo báo cáo năm 2020 của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ (NASEM), sự cô đơn cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ lên 50%, bệnh tim lên 29% và đột quỵ lên 32%.
Nếu một người mắc bệnh tim cảm thấy cô đơn, họ phải đối mặt với nguy cơ tử vong sớm gấp 4 lần và nguy cơ nhập viện cao hơn 68%.
Ảnh minh họa
Đừng để sự cô đơn làm hại sức khỏe
Cô đơn là cảm giác bị ngắt kết nối, mặc dù có tiếp xúc với con người, trong khi sự cô lập với xã hội là ít tương tác với người khác và ít kết nối xã hội.
Tiffani Bell Washington, bác sĩ tâm thần, chuyên gia y tế công cộng và chuyên gia về y học lối sống cho biết: “Ai đó có thể tỏ ra bị cô lập nhưng không cảm thấy cô đơn và họ thích ở một mình hơn”. Điều quan trọng là khả năng kết nối và chia sẻ có hiệu quả trong các mối quan hệ.
Sarah Goodlin, bác sĩ lão khoa, chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ và giáo sư y khoa tại Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon cho biết:
“Trong những năm gần đây, mọi người đã nhận ra sự cô đơn cũng như sự cô lập với xã hội có liên quan đến tình trạng sức khỏe tồi tệ hơn. Và đó là tình trạng chung. Ngay cả những người không bị cô lập về mặt xã hội cũng có thể cảm thấy cô đơn.”
Vào tháng 5/2023, Bác sĩ phẫu thuật Vivek Murthy (Hoa Kỳ) từng đưa ra lời khuyên về tác hại của cô đơn như một vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Ông nói: “Đại dịch cô đơn và cô lập là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng chưa được đánh giá đúng mức, gây tổn hại cho sức khỏe cá nhân và xã hội. Trước những hậu quả đáng kể về sức khỏe của sự cô đơn và cô lập, chúng ta phải ưu tiên xây dựng kết nối xã hội giống như cách chúng ta ưu tiên các vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng khác như thuốc lá, béo phì và rối loạn sử dụng chất kích thích.”
Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã thông qua chính sách vào nhằm “khuyến khích nghiên cứu để đánh giá cách hình thành mạng lưới sớm hơn trong cuộc sống giúp giảm bớt sự cô đơn và cô lập xã hội cho người lớn, đặc biệt tập trung vào những nhóm dân cư bị thiệt thòi và cộng đồng có khả năng tiếp cận nguồn lực hạn chế.”
Các nhóm có nguy cơ cao nhất là người lớn có thu nhập thấp, thanh niên, người lớn tuổi, người mắc bệnh mãn tính và khuyết tật, người di cư và những người thuộc cộng đồng LGBTQ.
Ảnh minh họa
Mối liên hệ giữa sự cô đơn và bệnh tật vẫn còn là một bí ẩn
Nghiên cứu chỉ ra rằng sự cô đơn và cô lập với xã hội có thể liên quan đến mức độ cao hơn của các hóa chất gây viêm trong cơ thể: protein phản ứng C, fibrinogen và interleukin-6.
Goodlin cho biết, những người cô đơn cũng có thể có các hormone vùng dưới đồi tuyến yên hoạt động được giải phóng khi bị căng thẳng, điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tim. Nhưng hiện tại, đây chỉ là những phỏng đoán.
Goodlin nói: “Nguyên nhân thực sự chỉ mới được đề xuất, chưa được xác định. Hiện tại không có câu trả lời chắc chắn.”
Giải pháp cho sức khỏe tinh thần
Tiffani Bell Washington, bác sĩ tâm thần, chuyên gia y tế công cộng và chuyên gia về y học lối sống cho biết: “Tìm cách giảm thiểu tác hại của cô đơn không chỉ đơn giản là yêu cầu sống như một người quảng giao hay thay đổi toàn bộ cuộc sống của bạn hoặc trở thành một người hướng ngoại và tiệc tùng liên miên. Thực chất, đây là vấn đề về sức khỏe của bạn.”
Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu về tác hại của cô đơn đến sức khỏe nhưng lại có rất ít nghiên cứu tìm ra giải pháp.
Goodlin cho biết, hệ thống bồi hoàn chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ không được thiết lập để coi sự cô đơn là một vấn đề sức khỏe, vì vậy ngay cả khi các bác sĩ giải quyết vấn đề khi khám định kỳ, vẫn sẽ có ít lựa chọn để can thiệp.
Nhưng một số nhà nghiên cứu đang bắt đầu xem xét cách mọi người giải quyết cảm giác cô đơn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Leisure Sciences đã xem xét hai nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương – du học sinh và cư dân viện dưỡng lão trong đại dịch COVID-19, kết quả cho thấy các hoạt động đòi hỏi sự tập trung và gắn kết sẽ làm giảm cảm giác cô đơn, ngay cả khi đối mặt với sự cô lập.
Ảnh minh họa
John Dattilo, Tiến sĩ, giáo sư tại Khoa Quản lý Du lịch, Công viên và Giải trí của Đại học bang Pennsylvania, cho biết: “Sự cô đơn trở nên yếu đi khi chúng ta tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa đối với bản thân, mang lại cho chúng ta cơ hội được sống đích thực”.
Các nhà nghiên cứu phát hiện khi mọi người tham gia vào một hoạt động mang tính thách thức và giúp phát triển kỹ năng, thời gian sẽ trôi qua nhanh hơn và nỗi cô đơn sẽ giảm bớt.
“Một trong những bước đầu tiên là hiểu chính mình. Điều gì mang lại cho chúng ta niềm vui? Mọi người sống theo một thói quen, một khuôn mẫu và làm mọi việc vì nghĩa vụ hơn là vì niềm vui. Tự nhận thức là một trong những bước đầu tiên để giải tỏa cô đơn”, Dattilo nói.
Theo giadinhonline.vn