Có kinh nguyệt sớm làm tăng nguy cơ bệnh tim
Cập nhật lúc 09:04, Thứ ba, 23/01/2018 (GMT+7)
Một nghiên cứu mới ở Anh cho thấy, phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt trước tuổi 12 có thể tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.
Ảnh minh họa
Theo nghiên cứu này, mãn kinh sớm, các biến chứng khi mang thai và phẫu thuật cắt bỏ tử cung cũng liên quan với tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.
Nhóm nghiên cứu do Sanne Peters từ Đại học Oxford dẫn đầu cho biết: “Thường xuyên sàng lọc bệnh tim mạch dường như cần thiết ở phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt sớm hoặc có tiền sử bị tai biến sản khoa hoặc phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung vì nó có thể giúp làm chậm hoặc phòng ngừa khởi phát bệnh tim mạch”.
Các kết quả được rút ra từ dữ liệu gồm hơn 267.000 phụ nữ ở Anh tuổi trung bình là 56 tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu. Những đối tượng này được tuyển chọn từ năm 2006-2010, sau đó được theo dõi đến tháng 3/2016 hoặc khi bị đau tim hoặc đột quỵ lần đầu.
Kết quả cho thấy, phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt trước tuổi 12 tăng 10% khả năng bị bệnh tim so với những phụ nữ có kinh nguyệt lúc 13 tuổi hoặc muộn hơn. Mãn kinh sớm – được định nghĩa là trước tuổi 47 – cũng liên quan với tăng 33% nguy cơ bệnh tim và 42% nguy cơ đột quỵ. Mỗi lần sảy thai cũng làm tăng 6% nguy cơ bệnh tim. Thai lưu có liên quan với tăng 22% nguy cơ bệnh tim và 44% nguy cơ đột quỵ. Theo nghiên cứu này, những phụ nữ phải cắt bỏ tử cung và buồng trứng cũng tăng nguy cơ bệnh tim.
Các kết quả được đăng trên tạp chí Heart ngày 15/1.
Theo Sức khỏe và đời sống