Theo các nhà khoa học, nguyên nhân khiến nam giới tự tử nhiều là vì họ đang trải qua những đợt sóng ngầm từ bên trong tâm hồn mà ít ai biết đến. “Khi mọi người coi việc thể hiện cảm xúc là đặc quyền của phụ nữ, điều đó vô tình buộc đàn ông phải chối bỏ hay giấu đi sự nhạy cảm mà tự nhiên ban cho con người. Họ không dám tìm kiếm sự giúp đỡ, không dám đi gặp bác sĩ khi bản thân có thể mắc rối loạn tâm lý, không dám bộc lộ cảm xúc và họ ép mình sống thật “nam tính” để phù hợp với định kiến xã hội.
Những cảm xúc ấy chất chồng, biến thành giận dữ rồi dẫn đến tuyệt vọng, khiến họ chọn tự sát” - Matthew Drury - điều phối viên chương trình của Mạng lưới sức khỏe hành vi tại Cơ quan Y tế khu vực của Mỹ - cho biết.
Vào tháng 5/2023, bác sĩ Vivek H. Murthy (Mỹ) đã công bố một báo cáo tựa đề Dịch bệnh cô đơn và cô lập của chúng ta, cho thấy vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn từ khi đại dịch xảy ra. Một nghiên cứu gần đây thục hiện ở Mỹ và Anh cho thấy có 27% nam giới nói họ có khoảng 6 người bạn thân - con số chỉ bằng một nửa so với 3 thập niên trước. 15% nam giới cho biết họ không có bạn thân nào cả, tỉ lệ đó ở phụ nữ là 10%.
Theo ông Matthew Drury, đàn ông có xu hướng sống âm thầm với cảm giác cô đơn thay vì bộc lộ chúng. Trong số những người đàn ông được thăm dò trong “Khảo sát quan điểm của người Mỹ”, chỉ 30% nói họ đã trò chuyện riêng với một người bạn trong tuần qua và chia sẻ cảm xúc cá nhân của mình. Ngoài ra, môi trường sống hiện nay khiến nhiều người đàn ông mất kết nối với các tổ chức xã hội, gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp. “Đàn ông trong xã hội ngày nay có thể coi các mối quan hệ sâu sắc là không nam tính, do đó, họ càng cô lập mình hơn” - ông Matthew nhận định.
Cuộc khảo sát năm 2021 tại Mỹ, Anh, Nhật Bản cho thấy chỉ có 48% nam giới cảm thấy hài lòng với tình bạn. 25% nam giới cho biết họ đã nhận được sự hỗ trợ tinh thần từ một người bạn, tỉ lệ đó ở phụ nữ là 40%. Richard Reeves - tác giả cuốn sách Của các chàng trai và đàn ông: Tại sao đàn ông hiện đại lại gặp khó khăn, tại sao điều đó lại quan trọng và phải làm gì với điều đó, thành viên cấp cao tại Viện Brookings tại Washington, DC, Mỹ - cho biết: “Có rất ít hệ thống hỗ trợ dành cho cánh mày râu, đặc biệt là những ông bố. Cụ thể là sự hỗ trợ thiết thực về mọi cấp độ dành cho cánh đàn ông”.
Kết quả một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học tâm lý cho thấy, sống với cảm giác cô đơn, biệt lập ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta, cả về thể chất lẫn tinh thần. Sự cô lập và cô đơn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mất trí nhớ, đột quỵ, trầm cảm, lo lắng và tử vong sớm. Nghiên cứu cũng chỉ ra việc thiếu kết nối xã hội làm tăng nguy cơ tử vong sớm của một người - tương đương với việc hút tới 15 điếu thuốc mỗi ngày. Bên cạnh những rủi ro dài hạn, sự cô đơn còn biểu hiện dưới những hình thức trực tiếp khác, bao gồm ảnh hưởng đến con cái và tác động xấu đến gia đình.
Giới khoa học khuyến khích mọi người mạnh dạn kết nối xã hội. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp ở nơi làm việc, gia đình, tình bạn thân thiết là điều tối quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta.
Theo phụ nữ TPHCM