Ăn trái cây khi bụng đói liệu có tốt không?
Một bài đánh giá vào tháng 9 năm 2020 trên tạp chí Chất dinh dưỡng đưa ra chủ đề "trình tự bữa ăn". Bài đánh giá khám phá thứ tự bạn tiêu thụ thực phẩm protein, chất béo, chất xơ và carb ảnh hưởng như thế nào đến hormone, lượng đường trong máu sau khi ăn. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu sâu hơn về mặt khoa học, nhưng kết quả sơ bộ cho thấy, những người mắc bệnh tiểu đường có thể nhận thấy đường huyết ổn định hơn sau bữa ăn nếu họ tiêu thụ thực phẩm có chứa protein, chất béo và chất xơ trước thực phẩm bổ sung carb.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia) cũng nhận định, lượng trái cây, rau quả nên tập trung ăn vào đầu bữa. Đặc biệt chuyên gia khuyên nên ăn nhiều vào bữa sáng, vừa giúp cơ thể tràn đầy năng lượng bắt đầu ngày mới vừa giúp bạn khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên cũng có khuyến cáo không ăn cà chua, anh đào, chuối, hồng... ngay bữa sáng vì sẽ gây hại dạ dày. Thay vào đó, bạn có thể ăn táo, lê, nho...
Tuy nhiên, TS Lauren Manaker, chuyên gia dinh dưỡng tại Nutrition Now Counselling ở Charleston (Mỹ), cho biết điều này chưa hoàn toàn chính xác. Vị chuyên gia này thường khuyên bệnh nhân tiểu đường nên ăn trái cây và các loại carb khác sau rau, protein, chất béo để hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu. "Tuy nhiên, tôi không coi đây là một quy tắc cứng nhắc. Có những khía cạnh khác trong chế độ ăn uống của một người quan trọng hơn nhiều so với việc tập trung vào lượng đường trong máu. Ví dụ như cách chế biến thực phẩm", chuyên gia chia sẻ.
Nói cách khác, kết quả của từng cá nhân là khác nhau. Vì vậy còn quá sớm để nói liệu việc sắp xếp bữa ăn liên quan đến trái cây có thực sự tạo ra tác động đến đường huyết hay không.
Một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Nutrients gợi ý, bắt đầu bữa ăn với thực phẩm giàu chất xơ và nước thay vì thực phẩm chỉ có protein hoặc carb, có thể giúp tăng cảm giác no.
Tất cả các loại trái cây đều cung cấp cả hai chất hỗ trợ cảm giác no là chất xơ và nước.
"Đối với một người khỏe mạnh bình thường, thứ tự ăn uống không ảnh hưởng đến cách hấp thụ chất dinh dưỡng", chuyên gia cho hay.
Bạn thực sự sẽ khỏe mạnh hơn nếu biết kết hợp thực phẩm một cách khôn ngoan. Ví dụ, các loại trái cây như dưa hấu, xoài và mơ đều chứa các vitamin tan trong chất béo cần được tiêu thụ cùng với nguồn chất béo để hấp thu dinh dưỡng tối đa.
Làm thế nào để ăn nhiều trái cây hơn?
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, chỉ 12% người Mỹ trưởng thành tiêu thụ đủ lượng trái cây được khuyến nghị mỗi ngày.
"Hầu hết chúng ta đều chưa ăn đủ nhóm thực phẩm này. Ăn trái cây như một phần của bữa ăn sẽ tốt hơn là không có thời điểm cụ thể nào", TS Lauren Manaker nói.
Bạn có thể thêm trái cây tươi, quả đông lạnh, đóng hộp hoặc sấy khô vào các bữa ăn trong ngày để tăng cường lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Mặc dù khẩu phần ăn khác nhau tùy thuộc vào loại trái cây bạn đang thưởng thức, nhưng khẩu phần tiêu chuẩn là khoảng 1 cốc trái cây tươi, đông lạnh hoặc đóng hộp và ¼ cốc trái cây sấy khô. Khi chọn trái cây đóng hộp hoặc sấy khô, hãy tìm những loại không chứa đường bổ sung để bạn tận hưởng tất cả dinh dưỡng và lượng đường tự nhiên, vừa tốt cho sức khỏe vừa phòng chống lão hóa.
Cho dù bạn chọn cách ăn trái cây như thế nào thì các chuyên gia vẫn khuyên nên tiêu thụ cùng thực phẩm giàu protein và chất béo để no lâu. Ví dụ như bạn có thể ăn chuối với bơ đậu phộng...
Tóm lại, theo giới chuyên gia, bạn không cần phải căng thẳng chuyện nên hay không nên ăn trái cây khi bụng đói. Điều bạn nên nhớ là hãy ăn nhiều, đa dạng các loại trái cây. Lý tưởng nhất là 1/2 đến 2 cốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Nếu ăn trong bữa ăn thì nên tiêu thụ trước sẽ giúp bạn no lâu hơn.
Tuấn Minh