Có nên ăn trái cây thay cơm để giảm cân?
Cập nhật lúc 23:51, Thứ sáu, 04/08/2023 (GMT+7)
Tôi nghe nói cắt tinh bột giúp giảm cân, vậy tôi có thể ăn trái cây thay cơm để giảm cân được không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. (Hoàng Lan, 34 tuổi, ở TP.HCM).
Bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Trần Ngọc Mai (khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) trả lời: Nguyên tắc của giảm cân là năng lượng nạp vào ít hơn năng lượng mất đi. Trong đó năng lượng mất đi bao gồm chuyển hóa cơ bản cho các hoạt động như sinh nhiệt, tim mạch, hô hấp và vận động như tập thể dục, di chuyển. Năng lượng nạp vào cung cấp từ thực phẩm ăn uống. Để giảm cân, cần có chế độ ăn lành mạnh, cân đối giữa các thành phần đạm, carbohydrate và chất béo. Carbohydrate bao gồm tinh bột, đường và chất xơ có trong các loại thực phẩm như ngũ cốc, trái cây và rau.
Việc thay cơm bằng trái cây vẫn là nguồn cung cấp nhiều carbohydrate không phải là phương pháp giảm cân hợp lý. Do đó, kết hợp một chế độ ăn uống hợp lý cân đối các nhóm chất với vận động sẽ giúp bạn kiểm soát cân nặng thay vì thay thế hay cắt giảm một nhóm chất nào đó trong khẩu phần ăn.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Thư, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế - Bệnh viện FV, cho biết việc ăn trái cây thay cơm là một trong những sai lầm khi giảm cân. Vì trái cây vẫn chứa lượng đường và calo cao. Trong trường hợp bổ sung trái cây trong thực đơn, cần chọn trái cây cần chọn loại có đường huyết thấp, khoảng 200-300 g/ngày và tính toán lượng calo. Một số loại trái cây có chỉ số đường thấp có thể kể đến như táo, bơ, cam, lê, thanh long, bưởi, mận, dâu tây...
Những loại trái cây có chỉ số đường huyết cao cần hạn chế hoặc sử dụng với lượng ít trong thực đơn giảm cân gồm nhãn, chôm chôm, mít ướt, sầu riêng, dưa hấu, vải, mãng cầu, long nhãn, chà là khô... Do đó việc ăn nhiều các loại trái cây này thay thế cơm có thể làm tăng lượng calo nạp vào, cũng gây tăng cân.
Theo Thanh niên