Có nên chủ động nhổ răng khôn?
Cập nhật lúc 22:39, Thứ ba, 31/10/2023 (GMT+7)
Xử lý răng khôn cần được thực hiện ở bệnh viện có chuyên khoa răng - hàm - mặt.
Răng khôn của tôi mọc lệch, đẩy vào răng bên cạnh gây đau. Liệu tôi có nên nhổ răng khôn không? Tôi không biết vai trò của răng khôn là gì, sao thấy rất nhiều người than phiền về cái răng này. Nếu răng khôn phiền phức như vậy, chúng ta có thể chủ động nhổ bỏ để tránh rắc rối sau này?
Nguyễn Ngọc Hưng (25 tuổi, ngụ TP Thủ Đức)
Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Bảo Anh - Khoa Răng - Hàm - Mặt Bệnh viện Lê Văn Thịnh - trả lời: Răng khôn mọc từ năm chúng ta 18 tuổi, có một số trường hợp sớm hoặc muộn hơn. Răng khôn còn gọi là răng số 8 hay răng hàm lớn thứ ba. Đây là răng mọc cuối cùng của hàm.
Theo lẽ thường, chúng ta sẽ có 4 răng khôn nhưng có người chỉ mọc 2 cái, cũng có người chẳng mọc cái nào. Thực tế, răng khôn nằm trong cùng và chúng ta cũng không nhai tới. Vì vị trí hiểm yếu nên việc chăm sóc răng trong cùng này gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do răng khôn hay bị sâu do tồn đọng thức ăn.
|
Răng khôn - Ảnh minh họa |
Khi 18 tuổi, ta nên chụp X-quang để kiểm tra xem răng khôn có xu hướng mọc đâm vào răng bên cạnh không. Nếu răng khôn có nguy cơ đâm vào răng bên cạnh, mọc nghiêng, lệch thì nên nhổ bỏ. Tuy nhiên, răng khôn hàm dưới có liên quan ống thần kinh. Vì vậy, trước khi quyết định nhổ bỏ bệnh nhân cần chụp CT. Nếu ẩn chứa nhiều nguy cơ, bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp cắt thân răng thay vì nhổ cả chân răng lên.
Xử lý răng khôn cần được thực hiện ở bệnh viện có chuyên khoa răng - hàm - mặt. Bệnh nhân tránh làm ở các cơ sở thiếu uy tín kẻo phải đối diện với nguy cơ dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn gây nhiễm trùng hoặc chảy máu do không kiểm soát tốt trong lúc tiến hành. Tại bệnh viện, trước khi xử lý, bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm để phát hiện các nguy cơ gây nguy hiểm trong quá trình làm thủ thuật.
Theo phụ nữ TPHCM