Tuy nhiên, kết quả một nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí BMJ cho thấy việc phẫu thuật có thể chỉ mang lại kết quả tạm thời, và tình trạng đau thường tái diễn lại trong vòng 1 năm.

Tác giả nghiên cứu, giáo sư Christine Lin tại Đại học Sydney (Úc), cho biết: "Đau thần kinh tọa được đặc trưng bởi cơn đau lan từ trên xuống phía sau chân, nguyên nhân thường do chèn ép rễ thần kinh cột sống vì tổn thương đĩa đệm cột sống thắt lưng. Các biểu hiện có thể bao gồm: đau lưng, yếu cơ và cảm giác kim châm ở cẳng chân".

"Chúng tôi tiến hành đánh giá xem liệu phẫu thuật có mang lại hiệu quả trong việc giảm đau và hạn chế tàn tật ở những người bị đau thần kinh tọa do tổn thương đĩa đệm cột sống hay không" – Giáo sư Christine Lin cho biết thêm.

Sau khi phân tích tổng quan 24 nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học đã kết luận rằng, trong khi việc phẫu thuật cắt bỏ một phần đĩa đệm tổn thương đã giúp giảm đau và giảm thiểu tàn tật trong thời gian ngắn, thì lợi ích giảm dần theo thời gian và tại thời điểm sau 1 năm, không thấy còn lợi ích nào so với những người không phẫu thuật".

Nhóm nghiên cứu cho rằng: "Mặc dù phẫu thuật không phải là biện pháp can thiệp duy nhất cho bệnh nhân đau thần kinh tọa, nhưng chúng tôi không có nhiều lựa chọn điều trị dựa trên các bằng chứng khoa học".

leftcenterrightdel
 

"Hiện không có nhiều bằng chứng cho thấy vật lý trị liệu mang lại hiệu quả rõ rệt. Tương tự, cũng có rất ít bằng chứng cho thấy các loại thuốc, bao gồm cả steroid được tiêm trực tiếp vào vùng thắt lưng, có hiệu quả trong việc giảm đau đáng kể. Rất nhiều bệnh nhân lựa chọn phẫu thuật, bất chấp nguy cơ rách đĩa đệm và biến chứng vết thương" – Nhóm nghiên cứu cho biết thêm.

Để đánh giá hiệu quả của phẫu thuật, nhóm nghiên cứu đã phân tích tổng quan 24 nghiên cứu trước đây so sánh lợi ích tiềm năng của phẫu thuật so với các lựa chọn không phẫu thuật ở bệnh nhân đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm gây ra. Trong số đó, một nửa số nghiên cứu đã đánh giá cụ thể kết quả phẫu thuật sau thủ thuật cắt bỏ đĩa đệm. Các lựa chọn không phẫu thuật bao gồm tiêm steroid và/hoặc "giả" phẫu thuật hoặc "giả" điều trị. Kết quả giảm đau được theo dõi trong khoảng thời gian 1 năm sau điều trị.

leftcenterrightdel
 Yoga nhẹ nhàng cũng có thể giúp giảm đau thần kinh tọa.

Kết quả cho thấy, phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm ít hoặc rất ít hiệu quả trong việc giảm đau so với các lựa chọn không phẫu thuật. Phân tích sâu hơn cho thấy, phẫu thuật tốt hơn các lựa chọn không phẫu thuật trong việc giảm đau mức độ "vừa phải" trong vòng 3 tháng sau phẫu thuật. Nhưng sau 3 tháng cho đến hết 1 năm, khả năng giảm đau của phẫu thuật so với các lựa chọn không phẫu thuật là khá ít. Và không có lợi ích giảm đau đáng kể nào được ghi nhận trong suốt 1 năm sau thực hiện phẫu thuật.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng các nghiên cứu trước đây được thực hiện trong các điều kiện khác nhau, điều này có thể ảnh hưởng đến các tiêu chí để đưa ra chỉ định phẫu thuật ở bệnh nhân.

Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng: "Hầu hết những người bị đau thần kinh tọa sẽ được cải thiện theo thời gian, vì vậy đối với nhiều bệnh nhân, việc giảm được đau trong thời gian ngắn mà phẫu thuật mang lại có thể vẫn có giá trị, nếu bệnh nhân và bác sĩ phẫu thuật quyết định lựa chọn theo hướng này".

"Điểm mấu chốt là phẫu thuật có thể được coi là một lựa chọn điều trị sớm, điều này có thể quan trọng đối với những bệnh nhân ưu tiên việc giảm đau nhanh chóng và những người cho rằng lợi ích ngắn hạn của phẫu thuật vẫn lớn hơn những nguy cơ tiềm ẩn và chi phí của phẫu thuật" – Nhóm nghiên cứu cho biết thêm.

Annina Schmid, chuyên gia thuộc Khoa khoa học thần kinh lâm sàng tại Đại học Oxford (Anh), người không thuộc nhóm nghiên cứu, cũng đồng ý rằng: "Hầu hết các bệnh nhân đau thần kinh tọa (khoảng 7/10 số bệnh nhân) sẽ hồi phục một cách tự nhiên, bất kể họ chọn biện pháp vật lý trị liệu, thuốc men hay phẫu thuật. Kết quả nghiên cứu này đã cho thấy rằng, về lâu dài, cả phẫu thuật và biện pháp điều trị khác đều mang lại hiệu quả giảm triệu chứng tương đương nhau".

Theo suckhoedoisong.vn