Xạ đen còn có tên gọi khác là cây bách giải, cây bạch vạn hoa, cây đồng triều, đơn lá chè hoặc cây "ung thư" (dân tộc Mường, Việt Nam). Xạ đen có tên khoa học là Ehretia asperula Zoll. & Mor.
Xạ đen là loại dược liệu có tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị một số loại bệnh như giúp cơ thể thanh nhiệt và giải độc, hỗ trợ điều trị các bệnh viêm nhiễm, đái tháo đường, máu nhiễm mỡ, dùng trong giảm đau, tăng sức đề kháng của cơ thể…
1. Công dụng của xạ đen với sức khỏe
- Hỗ trợ điều trị u bướu: Trong xạ đen có chứa 2 hợp chất fanavolnoid và quinon có tác dụng hóa lỏng các tế bào loạn phát. Hai dược chất giúp làm chậm sự phát triển các khối u khi mới hình thành. Đã có một số nghiên cứu khoa học chứng minh tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị u bướu. Mặc dù vậy, mọi thứ vẫn chỉ nằm ở giai đoạn nghiên cứu.
- Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Xạ đen có tác dụng hỗ trợ điều hòa huyết áp không ổn định. Sử dụng xạ đen trong hỗ trợ điều trị tăng huyết áp cũng rất đơn giản, chỉ cần đun lá cây xạ đen với nước uống mỗi ngày, hoặc pha trà uống hàng ngày.
- Hỗ trợ trị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ: Sử dụng xạ đen tốt cho người bệnh máu nhiễm mỡ đã được minh chứng từ công trình nghiên cứu của Học Viện Quân Y: Sử dụng nước đun sắc từ cây thuốc nam này mỗi ngày, tình trạng máu nhiễm mỡ hay mỡ có trong gan được cải thiện khá tốt.
- Cải thiện giấc ngủ, trị suy nhược thần kinh: Cây xạ đen vị hơi chát, đắng, tính hàn có tác dụng rất tốt với người bị mất ngủ thường xuyên do suy nhược thần kinh hoặc thiếu máu (dạng âm hư hỏa vượng theo đông y). Ngoài ra giúp tăng cường tuần hoàn máu não, giúp điều trị chứng hoa mắt chóng mặt.
2. Một số bài thuốc có xạ đen
- Bài 1: Xạ đen 100g, xạ vàng 100g, cây B1 (một trong những vị thuốc bổ quý của rừng Tây Bắc, có tác dụng giống vitamin B1) 30g, cây máu gà (kê huyết đằng). Đun với 1,5 lít nước uống trong ngày.
Tác dụng: Hỗ trợ giải độc gan, mát gan, hỗ trợ tiêu hoá
- Bài 2: Lá xạ đen 50g, bạch hoa xà thiệt thảo 20g, bán chi liên 10g, cây hoàn ngọc 50g, cây xương khỉ 30g. Rửa sạch dược liệu, cho vào nồi đun với 1lít nước lọc đến khi cạn còn khoảng 300ml thì tắt bếp, chia làm 2 lần uống. Uống sau khi ăn 30 phút, nên uống khi thuốc còn ấm nóng.
Tác dụng: Hỗ trợ gan, bệnh về phổi.
3. Người bình thường có nên uống xạ đen?
Theo Đông y, xạ đen có vị đắng chát, tính hàn, có tác dụng thông kinh, lợi tiểu, chữa ung nhọt, lở loét, tiêu viêm, mát gan mật, giảm tiết dịch và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Do đó, với những người bị mụn nhọt, lở loét thì có thể đun nước xạ đen uống hàng ngày.
Với người bình thường, vẫn có thể sử dụng xạ đen đun nước uống hàng ngày để tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, tăng cường tuần hoàn máu não. Uống theo nhu cầu hoặc 100g/ngày.
Tuy nhiên, cần lưu ý các thông tin tham khảo để áp dụng cần phải có sự tư vấn của thầy thuốc chuyên môn, đặc biệt với các trường hợp mắc bệnh thận, huyết áp thấp, phụ nữ mang thai, trẻ em...
Bên cạnh đó, khi uống nước xạ đen cần lưu ý không nên sử dụng rượu, bia, thuốc lá… hay các chất kích thích khác vì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tác dụng của xạ đen.
Người bình thường có thể uống nước xạ đen hàng ngày.
Theo suckhoedoisong.vn