Có những đứa trẻ chán ăn vì sợ xấu
Cập nhật lúc 21:59, Chủ nhật, 11/06/2023 (GMT+7)
Lâu nay ai cũng nghĩ chứng chán ăn tâm thần chỉ phổ biến ở giới người mẫu - những người chịu áp lực nghề nghiệp phải có thân hình mảnh mai. Tuy nhiên, thực tế ngày nay, chán ăn tâm thần trở nên khá phổ biến; thậm chí có thể gặp ở đàn ông, trẻ vị thành niên...
Áp lực nghề nghiệp
Mới đây, tờ The Times of Israel đưa tin cựu người mẫu Israel Karin Bauman vừa qua đời ở tuổi 35 sau hơn 10 năm mắc chứng chán ăn tâm thần. Thông tin Karin Bauman qua đời trong tình trạng cân nặng chỉ 23kg, rụng hết răng khiến làng thời trang bàng hoàng.
|
|
Bức ảnh người mẫu Pháp Isabelle Caro mắc chứng chán ăn tâm thần do nhiếp ảnh gia thời trang Oliviero Toscani chụp là lời cảnh báo về căn bệnh này |
Karin Bauman vốn là người mẫu nổi tiếng ở Israel. Cô sinh ra ở Hà Lan trong gia đình có truyền thống theo nghề này. 4 người chị đều là những người mẫu có tiếng nên Karin Bauman nối nghiệp từ năm 17 tuổi. Áp lực nghề nghiệp khiến Karin Bauman luôn bị ám ảnh phải khống chế cân nặng dù cô cao 1,69m, nặng chỉ hơn 50kg.
Ban đầu, cô ăn kiêng lành mạnh nhưng sau đó chuyển sang phương pháp tiêu cực - móc họng để nôn sau khi ăn. Karin Bauman âm thầm làm điều này mấy năm mà không ai biết, kể cả mẹ cô. Đến năm 23 tuổi, chứng chán ăn của Karin Bauman trở nên trầm trọng hơn. Cân nặng của cô chỉ còn 43kg và phải điều trị kể từ đó. Căn bệnh khiến nữ người mẫu chịu nhiều biến chứng như suy thận, viêm phổi.
Trong một cuộc phỏng vấn, cô thổ lộ: “Tôi thậm chí đã phải ghép thận. Tôi không thể ngồi vì phần xương cụt của tôi không có mỡ, nên ngồi xuống rất đau. Tôi gần như không thể đứng dậy để đi vệ sinh vì tôi sẽ chóng mặt và ngã xuống. Thậm chí, tôi cũng không còn răng nữa”.
Tại Israel, cái chết của Karin Bauman gợi nhớ đến trường hợp tương tự xảy ra vào năm 2007 của người mẫu Hila Elmalich. Cô có 21 năm mắc chứng biếng ăn và qua đời ở tuổi 34. Thời điểm chết, cơ thể Hila Elmalich đúng nghĩa là bộ xương khô khi cô cao 1m70 nhưng nặng chỉ 26kg.
|
|
Người mẫu là đối tượng dễ mắc chứng chán ăn tâm thần nhất vì áp lực nghề nghiệp |
Cân nặng thật sự là gánh nặng đối với những người đẹp sải bước trên sàn diễn thời trang. Họ chỉ có 2 sự lựa chọn: giảm cân để làm hài lòng công ty quản lý, các nhà mốt, nhà thiết kế hoặc mất việc. Đã có nhiều cái chết bi thảm vì chứng chán ăn tâm thần xảy ra ở làng mẫu các nước nhưng dường như vẫn chưa đủ cảnh báo.
Tắt thở, trụy tim dẫn đến tử vong là những hậu quả đáng sợ đã xảy ra với 2 chị em người mẫu Uruguay Luisel Ramos (22 tuổi) và Elena Ramos (19 tuổi), người mẫu Anh Bethaney Wallace (19 tuổi), người mẫu Pháp Isabelle Caro (28 tuổi). Cá biệt, người mẫu Brazil Ana Carolina Reston chết ở tuổi 21 sau khi mắc cả hai chứng bệnh rối loạn ăn uống là biếng ăn và phàm ăn.
Mặc dù nhiều quốc gia như Israel, Pháp, Tây Ban Nha, Ý đã có những luật lệ, quy định cấm người mẫu có chỉ số BMI dưới 18 hành nghề (BMI từ 18,5-24,9 là thể trạng bình thường) để đối phó hội chứng rối loạn ăn uống nhưng người mẫu gầy vẫn chiếm đa số.
Năm ngoái, tờ The European Eating Disorders Review thông tin một nhóm nhà nghiên cứu ở Hungary đã thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến về thói quen ăn uống của gần 200 nữ người mẫu đến từ 36 quốc gia, trong đó có Việt Nam, sau đó đem so sánh với khảo sát ở nhóm phụ nữ cùng tuổi nhưng không hành nghề người mẫu.
Kết quả ở nhóm người mẫu, có 44,7% người đạt chỉ số BMI từ 17-18,5 và 21% người có BMI dưới 17, tức quá gầy. Trong khi đó ở nhóm kia, 2 con số này lần lượt là 12,3% và 4%. Về hành vi rối loạn ăn uống, tỉ lệ ở nhóm người mẫu là 18,5% trong khi nhóm còn lại chỉ 3,8%.
Ai là thủ phạm?
Chán ăn tâm thần có 2 loại. Một là hạn chế ăn uống bằng cách ăn càng ít càng tốt. Hai là ăn và đào thải - nghĩa là người bệnh ăn nhưng sau đó tìm cách tống thức ăn ra ngoài bằng việc nôn hoặc dùng thuốc nhuận tràng. Từ lâu, nguyên nhân của chứng bệnh nguy hiểm này đã được chỉ ra rằng xuất phát từ bản thân người bệnh và từ các yếu tố xã hội. Người bệnh có cái nhìn cực đoan về cái đẹp, đánh đồng đẹp là ốm.
Quan niệm cực đoan này chủ yếu do chịu ảnh hưởng từ việc truyền bá sai lệch về chuẩn mực vẻ đẹp hình thể phổ biến mà phim ảnh, truyền thông, mạng xã hội mang đến. Nhưng đừng tưởng chán ăn tâm thần chỉ xuất hiện ở những người có thân hình mảnh mai. Kể cả người béo phì cũng có thể mắc bệnh.
|
|
Từ một cô gái bình thường, khỏe mạnh (phải) người mẫu Karin Bauman chỉ còn thân hình da bọc xương (trái) và qua đời ở tuổi 35 vì chứng chán ăn tâm thần |
Người mẫu ngoại cỡ Tess Holliday (38 tuổi) đã xuất hiện trên nhiều tạp chí danh tiếng như Vogue, Nylon, Elle, People, Marie Claire và là gương mặt quảng cáo của nhiều nhãn hiệu thời trang (H&M, Penningtons, Yours Clothing, Monif Clarke, Benefit...) là ví dụ. Năm ngoái, cô gây bất ngờ khi chia sẻ dù nặng cân nhưng vẫn mắc bệnh chán ăn.
Chính cô cũng không nghĩ mình bị bệnh cho đến khi chuyên gia dinh dưỡng giới thiệu cô đến gặp nhà tâm lý học và chuyên gia này nhận xét cô mắc chứng chán ăn. Tess Holiday nói: "Tôi muốn mọi người hiểu rằng chứng rối loạn ăn uống không phân biệt đối xử với người này, người kia và suy nghĩ sai về căn bệnh đó sẽ gây bất lợi, nguy hiểm cho những người béo".
Đáng lo nhất hiện nay là đối tượng mắc chứng chán ăn tâm thần giờ đây có cả trẻ em. Truyền thông Trung Quốc ngày 24/5 vừa thông tin về cái chết của bé gái 15 tuổi tên Xiao Ling ở Quảng Đông vì nhịn ăn quá đà. Cô bé bị bạn bè trêu chọc vì có thân hình đầy đặn, nặng 52kg với chiều cao 1,65m. Xiao Ling bắt đầu giảm cân từ năm 14 tuổi bằng cách không dùng dầu ăn, bỏ tinh bột, thịt. Dù đã gầy, Xiao Ling vẫn chưa dừng lại, nhất là sau khi người bạn trai cô thích đã yêu cô gái khác gầy hơn cô.
Kể từ đó, Xiao Ling gần như chỉ ăn rau, trái cây, uống nước và móc họng nôn sau khi ăn. Từ sau tết Nguyên đán, cô bé chỉ uống nước cầm hơi suốt 50 ngày đến khi bất tỉnh nhập viện. Xiao Ling bị chẩn đoán mắc 14 thứ bệnh, hôn mê sâu và cha mẹ cô đành để con gái ra đi. Lúc chết, cơ thể cô bé chỉ nặng 24,8kg.
Cái chết của Xiao Ling gây rúng động cộng đồng mạng nước này và trở thành một trong những chủ đề được tìm kiếm nhiều trên Sina Weibo. Cư dân mạng dịp này cũng thảo luận sôi nổi chuyện theo đuổi thân hình gầy gò và vấn đề chế giễu ngoại hình. Trên tờ Global Times, blogger thời trang Huini than thở cô ngày càng khó mua được quần áo vừa người. Huini cao 1,67m, nặng 55kg và thường mặc size M hoặc L.
Tuy nhiên, dần dần cô phải chuyển sang size XL, thậm chí XXL vì đều mặc không vừa dù chọn đúng size. Ban đầu, cô nghĩ mình tăng cân và cố gắng ăn kiêng. Thế nhưng sau khi kiểm tra kỹ các thông số của size, Huini phát hiện các hãng chỉ sản xuất size XS, S, M nhưng gắn nhãn size M, L, XL.
Huini nói: “Có một trào lưu không tốt là nhiều bé gái và phụ nữ trẻ nghĩ mình quá mập khi tìm mua quần áo và bắt đầu thực hiện chế độ giảm cân nghiêm ngặt hoặc tập luyện quá sức khiến sức khỏe xấu đi”. Huini cũng chỉ ra trào lưu này một phần bắt nguồn từ sự phổ biến của xu hướng thời trang “một cho tất cả” mang tên Brandy Melville.
Đây là thương hiệu quần áo của Ý nhắm đến các cô gái tuổi teen và phụ nữ trẻ có ngoại hình từ gầy đến siêu gầy. Siêu gầy nghĩa là số đo vòng eo của người mặc phải gần với mức 59cm. Trong khi đó, số đo vòng 2 của phụ nữ châu Á trung bình rơi vào khoảng 77cm. Phụ nữ châu Âu và châu Mỹ lại có số đo phổ biến từ 84cm đến 89cm.
Có thể thấy mạng xã hội đang ảnh hưởng lớn đến các xu hướng làm đẹp cũng như cách con người tự cảm nhận bản thân. Đối tượng chịu tác động mạnh nhất là phụ nữ và các bé gái. Tại Mỹ, tổ chức On Our Sleeves chuyên quan tâm vấn đề sức khỏe tâm thần ở Mỹ đã thực hiện một khảo sát trực tuyến từ ngày 30/3 đến ngày 3/4 về vấn đề này.
Kết quả cho thấy 69% phụ huynh tin là các công cụ lọc hình ảnh gây tác động tiêu cực đến hành vi chán ăn tâm thần của con trẻ. 65% cho rằng các trào lưu trên mạng xã hội ảnh hưởng đến sự cảm nhận cơ thể của các con.
Theo phụ nữ TPHCM