* Cả nhà tôi bị lây cảm cúm nên rất mệt mỏi. Các thành viên đều bị nghẹt mũi, nhức đầu. Mẹ tôi nặng nhất nên bị sốt, lừ đừ. Tôi nghe nói khi cảm cúm, nấu nước lá xông hơi sẽ mau khỏi. Điều này có đúng không? Phương pháp xông có an toàn với mọi người không? 

Phạm Thị Nguyệt (quận Tân Bình, TPHCM)

leftcenterrightdel
 

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Kiều Vân - Khoa Khám bệnh Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM - trả lời: Xông hơi là biện pháp sử dụng nhiệt của hơi nước, có thể kết hợp thêm một số loại thảo dược mang lại hiệu quả hỗ trợ điều trị một số bệnh lý.

Theo đông y, đối với điều trị cảm cúm (cảm mạo), xông hơi bằng các thảo dược là biện pháp cho ra mồ hôi (phát hãn) để loại bỏ tà khí gây bệnh. Xông thường được áp dụng với mục đích đào thải những tác nhân gây bệnh chưa vào sâu trong cơ thể qua đường mồ hôi, hỗ trợ điều trị và tránh tình trạng bệnh nặng thêm. Bên cạnh đó, trong nồi nước xông thường chứa các dược liệu có tinh dầu sát trùng đường hô hấp, kháng sinh, kháng viêm như lá chanh, lá bưởi, tía tô, kinh giới, bạc hà, sả, tràm, hành, tỏi, cúc tần...

Người cần thận trọng khi xông hơi là người đang sốt cao, mắc bệnh thận mạn, bệnh tim mạch chưa được kiểm soát ổn định (tăng huyết áp, suy tim). Quá trình xông hơi làm mất nước và giãn các mạch máu dưới da nên có khả năng gây hạ huyết áp. Ngoài ra, nhiệt độ cao cũng tạm thời làm tăng nhịp tim, tăng lượng máu lưu thông nên dễ gây mệt mỏi đối với những người mới ốm dậy, mới uống rượu, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang có kinh nguyệt. Để xông hơi an toàn, người bệnh nên bổ sung nước trong và sau khi xông. Thời gian xông hơi cũng không nên vượt quá 20 phút và xông không quá 2 lần/tuần.

Theo phụ nữ TPHCM