Ảnh minh họa

Vào mùa đông, đi mưa về thậm chí còn bị sưng mặt. Có phải do nước mưa bây giờ nhiều hóa chất độc hại làm cho da mặt phản ứng như vậy?

Phan Thanh Hiền (Hà Nội)

Những biểu hiện mà bạn kể cho thấy bạn mắc chứng bệnh gọi là dị ứng thời tiết. Khi những người có cơ địa dị ứng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài như thời tiết nóng, lạnh, phấn hoa, nước mưa... sẽ xảy ra những biểu hiện của dị ứng thời tiết như: Phát ban (bề mặt da xuất hiện mẩn đỏ); Viêm mũi dị ứng (thường gặp ở những người bệnh có cơ địa dị ứng thời tiết). Tùy thuộc vào mức độ dị ứng nặng nhẹ khác nhau mà tần suất xuất hiện các đợt viêm mũi dị ứng cũng khác nhau; Nổi mề đay cấp tính - đây là triệu chứng đặc trưng và cũng là triệu chứng nguy hiểm đối với bệnh dị ứng thời tiết nổi mề đay đã ở giai đoạn nặng. Nổi mề đay cấp tính là nổi mề đay khắp cơ thể một cách đột ngột khiến cơ thể rơi vào trạng thái khó thở, tụt huyết áp nhanh, sốc phản vệ và có thể dẫn đến tử vong; Chàm bội nhiễm; Khò khè, ho hoặc khó thở. Dị ứng thời tiết không thể chữa trị dứt điểm vì nó liên quan tới cơ địa và hệ miễn dịch của từng người. Chỉ có giải pháp điều trị theo từng đợt và hạn chế tiếp xúc với yếu tố thời tiết bất lợi.

Để phòng ngừa bệnh, cách tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với dị nguyên (trong trường hợp của bạn là nước mưa) tránh kích thích tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng. Ăn đủ chất dinh dưỡng, nhiều trái cây, rau xanh, nước trà xanh và có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng của cơ thể.

Theo suckhoedoisong