Nạo hút thai gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe vị thành niên.

Thực trạng vấn đề nạo phá thai vị thành niên

Thực tế cho thấy, tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn ngày càng tăng. Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc (2015), số trẻ em gái đã kết hôn trước tuổi 18 tại châu Á - Thái Bình Dương là 59 triệu trường hợp. Số trẻ em gái tuổi từ 15 đến 17 tại các nước đang phát triển đã từng sinh con là 20.000 trường hợp. Ước tính số ca phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15 đến 19 là 3,2 triệu ca. Tại Việt Nam, theo thống kê, mỗi năm cả nước vẫn còn gần 6.000 ca nạo phá thai tuổi vị thành niên.

 

Tuy nhiên, đây là những con số được thống kê từ hệ thống y tế công, chưa kể con số ở các cơ sở y tế tư nhân bởi nhiều trẻ vị thành niên với tâm lý e ngại nên không dám đến các cơ sở y tế công. Vì thế, thực tế con số mang thai và nạo phá thai ở trẻ vị thành niên tại Việt Nam còn lớn hơn rất nhiều.

Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn của trẻ vị thành niên như tỷ lệ quan hệ tình dục tăng cao nhưng sự hiểu biết về các phương pháp tránh thai lại không đầy đủ, trẻ vị thành niên chưa có nhận thức đầy đủ về tác hại nguy hiểm của mang thai ngoài ý muốn...

Ngoài ra, do đa số trẻ có chu kỳ kinh không đều và trẻ vị thành niên chưa có ý thức đi khám thai sớm nên có thể phát hiện thai trễ, điều này sẽ làm tăng tai biến và biến chứng khi hút nạo thai.

Những nguy hại của việc nạo hút thai

Tai biến và biến chứng của nạo hút thai rất nhiều. Những biến chứng có thể phát hiện xử lý ngay như chảy máu, đau, dị ứng với thuốc, thủng tử cung... Những biến chứng âm thầm nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh sản sau này của trẻ vị thành niên như hở eo tử cung, dính buồng tử cung, tắc ống dẫn trứng. Hở eo tử cung làm tăng nguy cơ sinh non, trong khi đó dính buồng tử cung và tắc ống dẫn trứng sẽ làm cho bệnh nhân vô sinh. Nhiễm trùng tử cung là một biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị sớm. Nhiễm trùng ống dẫn trứng có thể dẫn đến thai ngoài tử cung ở những lần mang thai sau.

 

Một vấn đề cũng khá nghiêm trọng cần được đề cập đến đó là mang thai ngoài ý muốn sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực lên tâm lý của của trẻ vị thành niên. Trước và sau khi hút - nạo thai trẻ vị thành niên luôn luôn có mặc cảm tội lỗi, tâm lý sợ hãi và sẽ ít tiếp xúc với những người xung quanh. Trong giai đoạn này vai trò của những người thân xung quanh trẻ (đặc biệt là cha, mẹ) rất là quan trọng. Tuy nhiên, một số trường hợp mọi người lại có thái độ khinh miệt và chỉ trích nặng nề làm trẻ bị tổn thương nhiều hơn có thể dẫn đến tự kỷ đôi khi dẫn đến mắc bệnh tâm thần.

    Thậm chí, nhiều bạn gái khi đến tuổi trưởng thành bị ám ảnh về vấn đề nạo phá thai trước đây đã trở nên sợ hãi sex. Điều này hưởng không nhỏ tới cuộc sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình.

    Phòng tránh như thế nào?

    Một buổi ngoại khóa về giới tính dành cho trẻ vị thành niên

    Ngày nay, do tác động của nhiều yếu tố (phim ảnh  bạn bè...) trẻ có xu hướng dễ dàng trong quan hệ tình dục. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ vị thành niên phá  thai và sinh con ngoài ý muốn ngày càng tăng.

    Giải pháp cấm đoán trẻ không được quan hệ tình dục ở độ tuổi này rất khó khả thi vì gia đình khó kiểm soát trẻ một cách hoàn toàn. Cho nên điều cần làm là giáo dục giới tính và cho trẻ biết những nguy cơ có thể xảy ra nếu có thai và phá thai có thể hạn chế được tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn.

     

    Cung cấp và hướng dẫn sử dụng các phương pháp tránh thai là giải pháp khá tốt. Phương pháp tránh thai phù hợp nhất cho lứa tuổi này là bao cao su, viên thuốc tránh thai loại phối hợp và thuốc ngừa thai khẩn cấp. Bao cao su là phương pháp ngừa thai được chọn đầu tiên vì dễ sử dụng, hiệu quả cao nếu dùng đúng và quan trọng nhất là ngăn ngừa được bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, đôi khi trẻ vị thành niên ngại dùng bao cao su vì nó không mang tính bí mật. Hơn nữa, trẻ vị thành niên nữ sẽ khó thuyết phục “đối tác” của  mình dùng bao cao su. Viên thuốc tránh thai loại phối hợp có hiệu quả ngừa thai khá cao và có thể điều trị những bất thường khác nếu có của trẻ vị thành niên như: chu kỳ kinh không đều, thống kinh, lạc nội mạc tử cung...Tuy nhiên, cách dùng hơi phức tạp nên trẻ có thể bỏ thuốc. Thuốc ngừa thai khẩn cấp hiện nay được sử dụng rất nhiều và cách sử dụng cũng khá đơn giản hơn so với 2 phương pháp ngừa thai trên nên có thể được xem như là một phương pháp có thể dùng cho trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng viên thuốc tránh thai loại phối hợp và thuốc ngừa thai khẩn cấp không thể ngăn chặn bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đây là một vấn đề đáng quan tâm trong xã hội hiện nay. Và thuốc ngừa thai khẩn cấp không nên được dùng quá 2 lần trong 1 tháng vì nếu dùng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nữ giới sau này.

    Mặt khác, một vấn đề nữa cần quan tâm khi tư vấn các phương pháp ngừa thai cho trẻ vị thành  niên là nên viết cho trẻ dễ hiểu (ngôn ngữ viết và nói phải dễ hiểu đối với trẻ có trình độ cấp 2 và cấp 3). Nếu viết khó hiểu trẻ sẽ không áp dụng hoặc áp dụng không đúng. Ngoài việc đưa vào chương trình giáo dục, có thể thành lập phòng tư vấn và các nơi này sẽ bảo đảm bí mật và an toàn cho trẻ.

    Và ứng phó khi trẻ có thai ngoài ý muốn

    Phương pháp ngừa thai dù hiện đại đến đâu thì cũng có một tỷ lệ thất bại (ở trẻ vị thành niên tỷ lệ thất bại có thể cao hơn do hiểu biết không đầy đủ). Vì thế trẻ vẫn có nguy cơ mang thai cho dù đã áp dụng các phương pháp này. Cho nên vấn đề kế tiếp sau vấn đề ngừa thai là giúp trẻ phát hiện sớm nếu có thai. Khi thai còn nhỏ chúng ta có nhiều phương pháp phá thai. Phá thai khi thai còn nhỏ sẽ ít gây tai biến và biến chứng cũng như tác động tâm lý lên trẻ cũng ít hơn. Vì thế, ngoài vấn đề tư vấn các phương pháp tránh thai, chúng ta cần tư vấn cho trẻ cách phát hiện sớm khi mang thai (các dấu hiệu như: Trễ kinh, những thay đổi trong cơ thể...).

    Do tâm lý e ngại và cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội đối với trẻ vị thành niên mang thai, nên việc tư vấn cho các trường hợp này ít được quan tâm. Từ đó, trẻ vị thành niên cũng sẽ ngại trao đổi các vấn đề liên quan với người lớn. Vai trò của các bậc phụ huynh cũng rất quan trọng. Cha mẹ cũng nên hiểu biết các vấn đề này để có thể tư vấn cho con mình, vì trẻ sẽ dễ trao đổi những thắc mắc của mình với cha mẹ hơn. Ngoài ra, bậc phụ huynh cũng phải tạo cho trẻ có tâm lý coi mình là “bạn” để có thể tâm sự với mình khi có vấn đề. Nếu có “sự cố” người lớn nên bình tĩnh để xử lý, tránh gây tổn thương tâm lý cho các trẻ.

    Theo Sức khỏe và đời sống