Nấm linh chi thường thấy mọc hoang ở các vùng núi cao lạnh ở một số tỉnh của Trung Quốc. Hiện nay, tại Việt Nam, nấm đã được tổ chức trồng theo quy mô công nghiệp để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Sau khi thu hoạch, nấm được phơi sấy khô rồi bào chế thành các dạng bột, thuốc nước ngọt hay đông khô.
Tùy theo màu sắc của mũ nấm, linh chi được chia thành nhiều loại khác nhau:
- Linh chi đỏ (Xích chi hay Hồng chi): Là loại linh chi có giá trị nhất, được sử dụng rộng rãi nhất.
- Linh chi tím (Tử chi)
- Linh chi vàng (Hoàng chi)
- Linh chi trắng (Bạch chi)
- Linh chi đen (Hắc chi)
- Linh chi xanh (Thanh chi)
Nấm linh chi thường được phơi sấy khô rồi sử dụng.
Nhiều hoạt chất đã được tìm thấy trong nấm linh chi như germani, axit ganoderic, axit ganodermic, axit oleic, ganodosteron, ganoderans, adenosine, β-D-glucan. Ngoài ra, nấm linh chi chứa nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như đồng, sắt, kali, magie, natri, calci.
Theo y học cổ truyền, nấm linh chi có vị nhạt, tính ấm, có tác dụng tư bổ cường tráng; bổ can khí, an thần, tăng cường trí nhớ. Nhiều nghiên cứu cho thấy nấm linh chi có tác dụng ổn định huyết áp, ổn định đường huyết, trợ tim, chống xơ vữa, chống oxy hóa, ngăn chặn quá trình lão hóa, tăng cường chức năng gan thận, kháng virus, chống ung thư, giúp an thần, chống suy nhược thần kinh, điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày, tá tràng…
1. Cách dùng nấm linh chi
Cách và liều dùng đơn giản nhất là dùng toàn nấm linh chi đã phơi sấy khô, thái mỏng hoặc tán thành bột đun nước sôi kỹ (sôi 15-30 phút) lấy nước uống trong ngày.
Liều dùng mỗi ngày 2-5g nấm linh chi. Nấm linh chi khô còn có thể dùng để nấu canh, nấu súp cùng với một số vị thuốc bổ khác.
Nấm linh chi nấu nước là cách dùng đơn giản nhất.
2. Tác dụng phụ khi sử dụng nấm linh chi
- Nấm linh chi khi sử dụng trong một thời gian dài (từ 3-6 tháng) có thể gây ra tình trạng dị ứng da, chóng mặt, mẩn ngứa phát ban, đau đầu, khó chịu dạ dày, nôn ra máu, đi ngoài ra máu.
- Nấm linh chi khi dùng cùng với các thuốc điều trị tăng huyết áp và thuốc điều trị đái tháo đường có thể gây hạ huyết áp và hạ đường huyết quá mức. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng trên người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, theo dõi sát huyết áp và đường huyết của người bệnh.
- Nấm linh chi là thân gỗ, không phải chất xơ như rau củ, nên khi uống cả bã sẽ khiến cho hệ tiêu hóa làm việc mệt hơn, dẫn tới khó tiêu, về lâu về dài dẫn đến bệnh lý hệ tiêu hóa.
- Cũng đã có một số báo cáo ghi nhận rằng, người bệnh bị viêm gan hay tiêu chảy mạn tính khi sử dụng nấm linh chi dạng bột, đa phần do sử dụng không đúng cách.
Dùng nấm linh chi không đúng cách có thể gây viêm gan.
3. Những kiêng kỵ khi sử dụng nấm linh chi
- Khi sử dụng nấm linh chi cần kiêng ăn thịt gà, hải sản, rau muống, đậu xanh, măng, thức ăn cay nóng, thức ăn nhiều chất béo; không dùng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích vì có thể làm giảm đi tác dụng của thảo dược.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú không được khuyến khích sử dụng loại nấm này để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, dù chưa có bằng chứng về mối nguy hại của nấm linh chi đối với những đối tượng này.
- Việc sử dụng nấm linh chi liều cao có thể gây xuất huyết, đặc biệt ở những người có rối loạn chức năng đông cầm máu. Tránh sử dụng nấm linh chi chung với các thuốc kháng đông, kháng kết tập tiểu cầu và thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu (aspirin, clopidogrel, warfarin…). Cần ngưng sử dụng nấm linh chi ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
- Không sử dụng nấm linh chi ở những người có huyết áp thấp vì có thể làm huyết áp xuống quá thấp, gây ra hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, tăng nguy cơ té ngã...
Theo suckhoedoisong.vn