Gan, rau bó xôi, các loại đậu và hạt chứa nhiều chất sắt, giúp bổ máu. Nhưng nếu cơ thể dư thừa sắt có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng da - Ảnh: Shutterstock
Từ trước đến nay, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh sắt là một khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất huyết sắc tố, là một loại protein phức tạp mang ô xy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể. Sắt giúp loại bỏ mệt mỏi, hỗ trợ hệ thống miễn dịch, cải thiện sức mạnh cơ bắp và ngăn ngừa thiếu máu.
Vừa qua, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu về tác động của nồng độ sắt đến sức khỏe, để khám phá tác động của cả mức độ sắt thấp và cao.
Nghiên cứu, do UniSA phối hợp với Imperial College London (ở Anh) và Đại học Ioannina (ở Hy Lạp) thực hiện, phân tích vai trò của sắt trong nhiều tình trạng sức khỏe, sử dụng dữ liệu di truyền và lâm sàng từ khoảng 500.000 người trong Ngân hàng Sinh học của Anh (UK Biobank).
Kết quả cho thấy khả năng bảo vệ chống thiếu máu của sắt và cho thấy khoáng chất này cũng có thể làm giảm nguy cơ cholesterol cao.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng xác định, hàm lượng sắt cao có thể gây nhiễm trùng da do vi khuẩn cao hơn, chẳng hạn viêm mô tế bào (nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến các lớp bên trong của da) và áp xe.
Theo nhóm nghiên cứu, các thử nghiệm trước đây đã kiểm soát tình trạng sắt ở những người bị thiếu máu, nhưng cho đến nay, không có nghiên cứu nào tập trung vào mức độ sắt để kiểm soát nhiễm trùng da hoặc điều chỉnh cholesterol.
Bước tiếp theo, các nhà khoa học cần xác định cụ thể các nồng độ sắt cao, thấp ảnh hưởng đến sức khỏe thông qua các thử nghiệm lâm sàng.
Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên chuyên san PLOS Medicine.
Theo thanhnien