Co the xac dinh mac COVID-19 qua trieu chung du ket qua PCR am tinh hinh anh 1
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 23/1/2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

 

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên trang mạng của tạp chí Các bệnh truyền nhiễm BMC, trong giai đoạn đầu bùng phát dịch COVID-19, có những bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng bệnh nhưng nhiều lần có kết quả xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (RT-PCR) âm tính.

Những người này có độ nhạy huyết thanh tương tự các bệnh nhân được xác nhận mắc COVID-19 qua kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính, nhưng họ ít được tiếp nhận điều trị.

Khi đại dịch mới bùng phát, nhà nghiên cứu Heta Parmar tại Trường Y khoa Rutgers New Jersey ở thành phố Newark (Mỹ) và các đồng nghiệp đã sử dụng phương pháp so sánh huyết thanh để ước tính khả năng mắc COVID-19 trong số những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính nhưng có các dấu hiệu lâm sàng hoặc triệu chứng giống như mắc COVID-19.

Xét nghiệm huyết thanh được thực hiện từ tháng 4-10/2020 đối với 20 bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng COVID-19 nhưng nhiều lần có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính (nhóm có khả năng mắc); 15 bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng của COVID-19 nhưng có một chẩn đoán khác cho thấy có thể mắc (nhóm nghi mắc); 43 bệnh nhân không có triệu chứng của COVID-19 (nhóm không nghi mắc); 40 bệnh nhân có kết quả RT-PCR dương tính và 55 mẫu xét nghiệm thu thập trước đại dịch.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy độ nhạy huyết thanh và nồng độ kháng thể immunoglobulin (Ig) G và IgM ở nhóm có khả năng mắc tương tự ở các bệnh nhân COVID-19 được xác nhận mắc bệnh qua xét nghiệm RT-PCR.

Tuy nhiên, độ nhạy huyết thanh ở hai nhóm này cao hơn nhiều lần so với nhóm nghi mắc và nhóm không nghi mắc.

Trong khi đó, so với nhóm bệnh nhân mắc COVID-19 được xác nhận qua xét nghiệm RT-PCR có mức độ bệnh tương tự, việc điều trị cho nhóm có khả năng mắc ít hơn một nửa.

Theo Vietnamplus