Độ tuổi dậy thì của trẻ đang có hiện tượng sớm hơn 2 - 3 năm đối với bé gái, 1 - 2 năm với bé trai. Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến thể chất và tinh thần ở trẻ nếu không được can thiệp kịp thời.

2 tuổi đã dậy thì!

Thấy con trai mình chỉ mới 2 tuổi nhưng dương vật đã phát triển hơn so với với bình thường, một phụ huynh tại Hà Nội đã đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi trung ương. Tại đây, các bác sĩ thấy mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng thể tích tinh hoàn của bé đã là 4ml, dương vật dài 8cm. Kết quả chẩn đoán bé dậy thì sớm và cần được can thiệp điều trị.

leftcenterrightdel
 Các bác sĩ khám cho trẻ dậy thì sớm tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN

Một phụ huynh khác thấy bé T.L. (gần 7 tuổi, Hà Nội) có biểu hiện phát triển vùng ngực to bất thường so với bạn cùng trang lứa nên đã đưa bé đến bệnh viện khám. Bác sĩ nhận thấy ngực bé đã phát triển bất thường từ hơn một năm trước nhưng cha mẹ không để ý. Bác sĩ còn phát hiện bé L. ra máu âm đạo và được chẩn đoán, điều trị dậy thì sớm.

Ngoài ra có trường hợp trẻ nhập viện khoảng 17 tháng tuổi, đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) khám vì dậy thì sớm. Nguyên nhân khi bé đang bú mẹ, thấy con có dấu hiệu bất thường vì xuất huyết âm đạo và ngực to, người mẹ đã đưa trẻ đi khám. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, kết hợp với khai thác thông tin gia đình, bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân nằm ở... người mẹ. 

Người mẹ sử dụng thuốc làm hồng nhũ hoa chứa estrogen trong vài tháng. Thời gian đó trẻ vẫn bú mẹ nên hấp thụ luôn chất trên. Bệnh nhi được xác định dậy thì sớm ngoại biên, người mẹ chỉ cần ngưng thuốc làm hồng nhũ hoa thì các triệu chứng của bé sẽ giảm hẳn.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi trung ương, từ tháng 9-2017 đến tháng 4-2021, bệnh viện này ghi nhận có 694 bệnh nhi dậy thì sớm đến khám, bao gồm 21 bé trai, còn lại là trẻ gái. Trong khi đó, giai đoạn 1991 - 1995 chỉ ghi nhận có 14 bệnh nhi dậy thì sớm.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ dậy thì sớm đến bệnh viện khám tăng gấp đôi. Trước đây mỗi tháng chỉ khoảng 20 - 30 ca dậy thì sớm có chỉ định điều trị thì nay khoảng 50 - 60 ca, mỗi năm bệnh viện có khoảng 600 - 700 trẻ dậy thì sớm đến khám.

Trẻ càng béo phì, dậy thì sớm càng nhanh

Dậy thì sớm sẽ gây ra rất nhiều hậu quả ảnh hưởng đến trẻ và cả phụ huynh như hạn chế đến sự phát triển chiều cao, nếu trẻ nữ có tuyến vú hoặc kinh nguyệt phát triển sớm có thể gây vấn đề về trẻ mặc cảm, mất ngủ ảnh hưởng đến tâm lý, gây tâm lý lo lắng cho cha mẹ, nguy cơ bị lạm dụng tình dục và mãn kinh sớm.

Bác sĩ Quỳnh cho biết có 2 loại dậy thì sớm ở trẻ, gồm dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại biên. Với dậy thì sớm trung ương thường không có nguyên nhân cụ thể. Một số các yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm hiện nay như di truyền, đột biến gene, hóa chất gây rối loạn nội tiết, một số các loại chất dẻo và thuốc trừ sâu. Đặc biệt, béo phì có mối liên quan rất cao với dậy thì sớm đã được chứng minh cả trẻ nam và trẻ nữ.

ThS Nguyễn Thị Hằng - Trung tâm nội tiết, chuyển hóa, di truyền và liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi trung ương - cho biết tỉ lệ dậy thì sớm dao động 1/10.000 - 1/5.000, tỉ lệ dậy thì sớm ở nữ thường cao hơn nam. Các báo cáo gần đây tại Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc cho thấy tỉ lệ dậy thì sớm ở trẻ đang tăng lên rõ rệt. 

Các đặc điểm lâm sàng để nhận biết trẻ dậy thì sớm là: đối với nữ có các dấu hiệu như mụn trứng cá, kinh nguyệt, lông mu và vú phát triển; đối với trẻ nam có các dấu hiệu như mụn trứng cá, giọng trầm, lông mu, chiều dài dương vật phát triển bất thường, thể tích tinh hoàn lớn...

Theo bác sĩ Quỳnh, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám khi thấy con có các dấu hiệu bất thường để kịp thời phát hiện và điều trị để không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. "Cha mẹ, bác sĩ cần nâng đỡ tâm lý, giáo dục giới tính cho trẻ. Giải thích cho trẻ hiểu vì sao có sự thay đổi về cơ thể để trẻ không bị sốc. 

Ngoài ra, đối với một số trẻ mầm non, cần phải quan tâm, chăm sóc để tránh tình trạng trẻ bị lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, cũng không được chủ quan bởi vẫn có khoảng 10 - 20% trẻ dậy thì giả. Những trẻ này cũng có dấu hiệu dậy thì sớm nhưng rất có thể là mắc các bệnh lý về thận, não", bác sĩ Quỳnh nói.

Hiện nay, trẻ dậy thì sớm được điều trị bằng cách sử dụng chế phẩm ức chế dậy thì sớm. Đây là loại hoocmôn được tiêm mỗi 3 tháng, 6 tháng, thậm chí thời gian điều trị kéo dài đến 11 - 12 tuổi, khi ngưng điều trị thì sự phát triển dậy thì về lâm sàng và sinh học sẽ được lặp lại.

 Ăn nhiều thịt, uống nhiều sữa có dậy thì sớm?

Trước một số các thông tin không nên cho trẻ ăn nhiều thịt, uống nhiều sữa vì đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới dậy thì sớm, bác sĩ Quỳnh khẳng định đây là thông tin thiếu cơ sở khoa học và không chính xác. Những hoocmôn trong sữa và thịt như hoocmôn tăng trưởng bò nhân tạo đều bị phân hủy thành axit amin khi đi qua dạ dày.

Bản chất của thịt và sữa là protein chứ không phải là steroid (giống như hoocmôn sinh dục). Do đó, thịt và sữa không thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng dậy thì sớm ở trẻ", bác sĩ Quỳnh nói.

Đến nay chưa có bằng chứng khoa học cho thấy trẻ dậy thì sớm là do ăn nhiều thịt và uống nhiều sữa. Tuy nhiên, thịt và sữa có thể là nguyên nhân gián tiếp gây ra tình trạng dậy thì sớm đối với những bé gái ăn uống quá nhiều dẫn tới béo phì.

Theo Tuổi trẻ