Theo BS Nguyễn Giang, Bệnh viện Nhi Trung ương, dậy thì là một hiện tượng sinh lý trong phát triển, nhưng liên quan đến biến đổi nội tiết dễ dẫn đến các rối loạn, biến đổi trong đời sống tâm sinh lý của trẻ.

Trong quan hệ với cha mẹ, bạn bè, trẻ có nhu cầu giao tiếp bạn bè hoặc ngược lại có nhu cầu thu mình lại một chỗ, đồng thời muốn thoát ra khỏi sự áp đặt quan điểm của cha mẹ dẫn đến nhiều gia đình, trẻ thường hay cãi lời cha mẹ hoặc làm ngược ý muốn của cha mẹ.

photo-1682618842313

Bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý của trẻ em gái sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa

Tuổi dậy thì của trẻ gái bắt đầu từ khoảng 10 tuổi. Trên cơ thể trẻ gái có những sự khác biệt như lớp mỡ dưới da dày lên giúp cơ thể trẻ trở nên nữ tính, rõ nét các đường cong của cơ thể, hông rộng ra, bầu vú bắt đầu phát triển, quầng vú dày lên, sẫm lại, núm vú nhô ra, sự phát triển giữa hai vú có thể không đều nhau, bên to bên nhỏ, buồng trứng bắt đầu hoạt động, xuất hiện kinh nguyệt, lông mu, lông nách mọc và mùi cơ thể thay đổi, có thể xuất hiện trứng cá.

Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu ra máu trong tháng này tới ngày đầu ra máu ở tháng tiếp theo. Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 28 ngày nhưng nếu dài hơn từ 21- 45 ngày cũng là bình thường. Trong những năm đầu mới xuất hiện kinh nguyệt, chu kỳ kinh của trẻ thường chưa đều ngay, phải mất tới 5-6 năm hoặc lâu hơn, chu kỳ kinh nguyệt của trẻ mới trở nên đều đặn.

Chu kỳ kinh nguyệt của trẻ sẽ không bình thường và cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu: Trẻ bắt đầu có kinh rồi ngừng lại trong thời gian hơn 3 tháng; trẻ bị ra máu quá nhiều, phải thay băng vệ sinh từ 1-2 giờ/lần, kỳ kinh nguyệt kéo dài (trên 7 ngày); trẻ thấy đau đầu, chóng mặt, mạch nhanh; đau bụng dữ dội trong kỳ kinh hoặc chu kỳ kinh nguyệt quá ngăn hay quá dài (dưới 21 ngày và trên 45 ngày)…

Trước các thay đổi của cơ thể, tâm lý của phần lớn trẻ gái đều trở nên căng thẳng. BS Nguyễn Giang khuyến cáo các bậc cha mẹ có thể giúp con bằng cách:

-Dạy trẻ vệ sinh vùng kín: Kỳ kinh nguyệt đầu tiên sẽ khiến nhiều trẻ gái hoảng hốt, lo lắng. Cha mẹ hãy giải thích với con rằng sự thay đổi đó là rất bình thường và phù hợp với lứa tuổi. Hãy cùng rủ con gái đi mua băng vệ sinh, dạy trẻ cách thay băng vệ sinh thường xuyên để tránh viêm nhiễm đồng thời cung cấp cho trẻ kiến thức về cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và những dấu hiệu bệnh lý liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

photo-1682618844724

Phụ huynh cần dạy trẻ vệ sinh vùng kín

- Dạy con kiến thức về giới tính và cách bảo vệ bản thân: Khi trẻ gái có kinh nguyệt, nghĩa là trẻ đã có khả năng mang thai. Vì vậy, thay vì việc cấm đoán trẻ không được giao du tiếp xúc với bạn bè khác giới, hoặc để trẻ tự mày mò khám phá về tình dục, các bậc cha mẹ nên dạy con những kiến thức về sức khỏe sinh sản, về giới tính, về tình dục an toàn và cách tự bảo vệ bản thân.

Tóm lại: Ở độ tuổi dậy thì, trẻ có nhiều suy nghĩ riêng về cuộc sống, cha mẹ hãy tôn trọng lắng nghe như những người bạn của con và đưa ra những ý kiến, những lời khuyên bổ ích để trẻ hiểu và làm theo. Những điều không ảnh hưởng xấu thì không nên cấm đoán. Nếu trẻ có có những sở tích, đam mê thì cha mẹ nên tạo điều kiện tốt nhất để trẻ được theo đuổi đam mê của mình.

Việc cần làm của cha mẹ khi có con gái ở tuổi dậy thì là nên làm bạn với con để cùng con vượt qua mọi khủng hoảng của lứa tuổi dậy thì. Đừng để trẻ một mình bước qua tuổi dậy thì khiến trẻ rơi vào tình trạng tự mầy mò, khám phá mà tự định hình những quan niệm và mặc cảm tai hại khôn lường về tình dục.

Theo suckhoedoisong.vn