Trẻ thiếu hụt hormone tăng trưởng sẽ thấp bé hơn các bạn cùng tuổi. Vì vậy việc phát hiện để kịp thời bổ sung hormone tăng trưởng là vô cùng quan trọng đối với vóc dáng của trẻ.

Giai đoạn vàng để phát triển chiều cao ở trẻ

Theo PGS.TS Vũ Chí Dũng - Giám đốc Trung tâm Nội tiết, chuyển hóa, di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương, thông thường mỗi năm sẽ trẻ tăng từ 4-7cm nếu được đáp ứng đủ các yếu tố về dinh dưỡng (tính từ sau 4 tuổi đến khoảng 9 tuổi).

Ở độ tuổi nhỏ hơn, trẻ sẽ có chiều cao tăng trong năm cao hơn. Chẳng hạn: Từ 0-1 tuổi tăng trung bình 25 cm; 1-2 tuổi tăng khoảng 12cm; từ 2-3 tuổi tăng trung bình 8cm/năm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 3 năm đầu đời được tính từ khi trẻ được mang thai đến 24 tháng tuổi là giai đoạn vàng để trẻ phát triển chiều cao và thể chất. Đây là giai đoạn quyết định đến 60% phát triển chiều cao của trẻ khi trưởng thành.

Trẻ thấp còi kèm với dấu hiệu này ngày nhỏ, có thể trẻ thiếu hormone tăng trưởng - Ảnh 1.

Trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng thường sẽ thấp bé hơn so với bạn bè cùng tuổi. Ảnh minh họa.

Trẻ thiếu hormone tăng trưởng rất khó nhận biết sớm

Cũng theo PGS.TS Vũ Chí Dũng, chiều cao của trẻ khác nhau ở thể trạng mỗi người. Có những trẻ thấp còi hơn bạn cùng tuổi là do di truyền, dinh dưỡng hoặc chiều cao thấp vô căn, hoặc do các bệnh lý khác như: bệnh lý về nội tiết, bệnh lý về xương, bệnh lý về bệnh chuyển hóa, bệnh lý thiếu hormone tăng trưởng. Trong đó, nguyên nhân thiếu hormone tăng trưởng dù chiếm tỉ lệ rất thấp (1/4000 – 1/10.000) nhưng lại là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra chậm tăng trưởng ở trẻ và rất khó nhận biết sớm.

Thiếu hormone tăng trưởng là tình trạng cơ thể không sản xuất hoặc phóng thích đủ hormone tăng trưởng để phục vụ cho phát triển chiều cao đúng theo chuẩn độ tuổi và giới tính.

Để phát hiện trẻ thiếu hormone tăng trưởng hay không, cần phải dựa vào các xét nghiệm và các triệu chứng lâm sàng. Ví dụ: Ở giai đoạn trẻ sơ sinh, trẻ thiếu hụt hormone tăng trưởng có có biểu hiện như: hạ glucose máu, vàng da kéo dài, dương vật nhỏ... Đối với trẻ lớn thì tình trạng thiếu hormone tăng trưởng càng nặng thì trẻ càng sớm chậm tăng trưởng.

Điều trị thiếu hụt hormone tăng trưởng như thế nào?

Theo các bác sĩ, thuốc được sử dụng là một dạng hormone tăng trưởng tổng hợp. Dạng tổng hợp này tương tự như hormone tăng trưởng tự nhiên ở người.

Nếu trẻ không gặp vấn đề tuyến giáp, chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ thì có thể được chỉ định tiêm hormone tăng trưởng. Hormone này sẽ giúp trẻ phát triển xương, tăng cơ, giảm mô mỡ, đáp ứng miễn dịch và cải thiện vóc dáng.

photo-1661794536382

Chậm tăng trưởng chiều cao có thể cải thiện khi điều trị bằng hormone tăng trưởng. Ảnh minh họa.

Thông thường, trẻ sẽ bắt đầu được tiêm hormone tăng trưởng sau 2 tuổi. Đối với bé gái sẽ kết thúc lúc xương được 14 - 15 tuổi và đối với bé trai là 15 - 16 tuổi. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể ngừng trước độ tuổi này nếu chiều cao tăng dưới 2cm/năm. Trong 3 - 6 tháng đầu sau tiêm, bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ để kiểm tra đáp ứng điều trị cũng như phát hiện những tác dụng phụ nếu có.

Liều lượng hormone tăng trưởng thay đổi tùy theo cân nặng/diện tích da của con bạn. Điều này có nghĩa là liều cho con bạn sẽ tăng lên khi trẻ lớn hơn.

Trong 3 năm đầu tiên điều trị bằng phương pháp tiêm hormone, trẻ có thể cao thêm 10cm và những năm tiếp theo khoảng 7cm.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng lưu ý, tuyến yên của con người tiết ra hormone tăng trưởng cả ngày, nhưng nhiều nhất là vào ban đêm. Thậm chí, đạt cao nhất nếu trẻ đi ngủ trong thời điểm từ 21h đêm đến 2h sáng và từ 5h-7h sáng.

Theo suckhoedoisong.vn