|
|
Cúm là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhưng có thể gây nguy hiểm ở một số người. Ảnh:iStock. |
Những gì chúng ta gọi là “cúm” thực chất là tập hợp các chủng virus thay đổi theo thời gian. Điểm chung của tất cả chủng cúm là triệu chứng sốt, đau đầu, ho. Đây cũng là 3 biểu hiện cơ bản nhất của tất cả loại virus cúm.
Ba chủng cúm phổ biến
Virus cúm là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý cấp tính đường hô hấp. Thông thường, bệnh thường khá lành tính và người mắc có thể hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, ở một số trường hợp như trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền như thiếu máu, bệnh về tim, phổi, thận, suy giảm miễn dịch thường có thể diễn biến nặng hơn gây viêm tai, viêm phế quản, viêm não…
Trên người, 3 loại virus cúm gây bệnh thường xuyên là cúm A, B và C. Virus cúm A và B là loại gây bệnh nặng nhất, dẫn đến hàng loạt đợt bùng phát rộng rãi ở nhiều nước. Trong khi đó, virus cúm C gây bệnh nhẹ ở người.
Trên thực tế, chúng ta còn có virus cúm D nhưng chủ yếu tìm thấy ở gia súc, chưa biết có ảnh hưởng đến con người hay không.
Cúm A
Virus cúm A là loại virus cúm phổ biến nhất. Chúng là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát cúm theo mùa thường xuyên, cũng như các đại dịch cúm toàn cầu. Virus cúm A có thể ảnh hưởng đến cả người và động vật.
Điển hình là đại dịch năm 1918 và đại dịch H1N1 2009 (còn được biết đến với cái tên là “cúm lợn”). Các đợt bùng phát cúm A thường xảy ra sớm hơn trong mùa cúm. Ở Bắc bán cầu, cúm A có nhiều khả năng bùng phát từ tháng 10 đến tháng 3.
Virus cúm A chia thành các nhóm dựa trên protein bề mặt là kháng nguyên H và kháng nguyên N. Các nhà khoa học đã xác định được hơn 130 tổ hợp phụ virus cúm A trong tự nhiên, chủ yếu ở các loài chim hoang dã. Tuy nhiên, cũng có nhiều dạng là virus tái tổ hợp, kết hợp nhiều đột biến với nhau.
Các chủng cúm A phổ biến là H1N1 và H3N2.
|
|
Tiêm phòng cúm là phương pháp được khuyến cáo để giảm biến chứng, tác động tiêu cực của bệnh cúm tới con người. Ảnh:DW. |
Cúm B
Khác với virus cúm A, virus cúm B không chia thành các loại phụ, mà được phân loại thành dòng B/Yamagata, B/Victoria. Nó cũng biến đổi chậm hơn. Đặc biệt, chủng này chỉ ảnh hưởng đến con người, không ảnh hưởng đến động vật. Chúng cũng không lây lan đến mức thành đại dịch.
Virus cúm B có nhiều khả năng gây bệnh vào cuối mùa cúm, thường là khoảng tháng 1 đến tháng 5 ở Bắc bán cầu.
Cúm C
Virus cúm C thuộc chi Influenza Virus C, họ Orthomyxoviridae. Nếu virus cúm A, B có 8 phân đoạn RNA, cúm C chỉ có 6 phân đoạn RNA. Số lượng mã hóa protein cũng ít hơn (9 protein thay vì 10 protein).
Virus cúm C có khả năng lây bệnh ở người và lợn. Tuy nhiên, chủng virus này khá hiếm gặp và thường nhẹ hơn các trường hợp virus cúm A, B. Bệnh có triệu chứng lâm sàng không điển hình và thường không tạo thành dịch.
Quy ước đặt tên bệnh cúm
Thế giới có rất nhiều chủng virus cúm khác nhau nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra quy ước đặt tên được quốc tế để theo dõi.
Tên của mỗi loại virus được tạo thành từ:
- Loại kháng nguyên (A, B, C hoặc D).
- Nguồn gốc vật chủ (như lợn, ngựa, gà...). Với virus có nguồn gốc từ con người, không có chỉ định nguồn gốc vật chủ.
- Nguồn gốc địa lý.
- Chủng virus số hoặc dòng virus số.
- Năm phát hiện.
Với virus cúm A, tên bao gồm một giá trị số cho hai loại protein được tìm thấy trên bề mặt virus: Hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Ví dụ, virus cúm A (H1N1) và virus cúm A (H5N1).
Virus gây đại dịch năm 2009 được đặt tên riêng là A (H1N1) pdm09 để phân biệt với virus cúm A (H1N1) theo mùa đã lây lan trước đại dịch.
Khi con người bị nhiễm virus chủ yếu lây trên lợn, những virus này gọi là biến chủng, được ký hiệu bằng chữ “v” (ví dụ virus cúm A (H3N2) v).
|
|
Cách đặt tên các loại virus cúm theo WHO. Ảnh:CDC. |
Bảo vệ bạn trước bệnh cúm
Ngoài việc tiêm phòng cúm vào mỗi mùa thu, các chuyên gia đề xuất những phương pháp hiệu quả để giữ sức khỏe của bạn và người thân, nhất là trẻ em:
- Vệ sinh tay sạch bằng xà phòng và nước hoặc chất khử trùng có cồn.
- Tránh ở gần người khác khi bạn cảm thấy không khỏe, đặc biệt là khi bị sốt.
- Tránh ở gần những người bị bệnh bất cứ khi nào có thể.
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng.
- Ăn uống điều độ, tập thể dục và nghỉ ngơi đầy đủ.
- Cân nhắc việc bổ sung vitamin tổng hợp, có thể là vitamin D để hỗ trợ hệ miễn dịch của bạn.
Theo zingnews